Ông Nguyễn Ngọc Phúc nhận định, khó khăn nhất hiện nay của các huyện khi xây dựng huyện nông thôn mới là việc xử lý rác thải tập trung. Các huyện Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung 50 m3 trở lên. Nhiều huyện chưa quy hoạch cụm công nghiệp, khó thu hút đầu tư xây dựng bến xe khách…
Theo ông Phúc, xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả, bộ mặt nông thôn tiếp tục có những khởi sắc, thay đổi rõ rệt; hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân...
Ông Phúc cũng đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các huyện để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 109 xã nông thôn mới, trong đó 41 xã nông thôn mới nâng cao, 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tuy nhiên việc quy hoạch xã nông thôn mới còn nhiều bất cập, khó khăn, chậm tiến độ. Đến hết 2024 toàn tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, TP.Đà Lạt và TP.Bảo Lộc; chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu khó khăn hơn, do Bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020. Một số tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như chỉ tiêu về tỉ lệ nước sạch tập trung > 35% xã nâng cao, xây dựng cụm công nghiệp, thu gom nước thải sinh hoạt, nhà máy xử lý rác thải, bến xe khách cấp 4...
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý, cập nhật, hướng dẫn thực hiện chương trình của Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư ban hành còn chậm gây khó khăn, lúng túng và chậm trễ trong quá trình hoàn thiện, lập, thẩm định các tiêu chí (đến tháng 9.2024 mới được cập nhật đầy đủ, hoàn thiện).