Cần tư duy mới, cách làm mới
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, hiện cả nước có trên 6.292 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,1% số xã. Trong đó, 2.163 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 471 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Trong số này, đã có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bình Định có xuất phát điểm còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tây Sơn là huyện thứ 6 của tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần có tư duy mới, cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư các xã, các huyện nghèo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững, toàn diện, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo thực chất, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng đảm bảo tiện ích, hiện đại…
"H.Tây Sơn có đầy đủ tiềm năng có thể phát triển được các khu công nghiệp công nghệ cao, sẽ sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu", Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng/năm
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND H.Tây Sơn, đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện đạt trên 7.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm gần 74%.
Thu ngân sách của H.Tây Sơn hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 47 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2011). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,57% (giảm gần 13% so với năm 2011).
Theo ông Hùng, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới ở H.Tây Sơn là 17.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 3.493 tỉ đồng; vốn tín dụng 437 tỉ đồng; vốn huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp 90 tỉ đồng; vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân 380 tỉ đồng; vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10.300 tỉ đồng; vốn đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất trong nhân dân 2.500 tỉ đồng.
"Với vai trò là khu vực phát triển kinh tế trọng điểm phía tây của tỉnh Bình Định, H.Tây Sơn có 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472 ha phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Hiện tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt trên 81%, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động tại chỗ. Đến nay, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao", ông Hùng nói.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, H.Tây Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, H.Tây Sơn nói riêng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thực hiện thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…
"Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh", ông Tuấn nói.
Tây Sơn là huyện trung du nằm về phía tây nam của tỉnh Bình Định, cách TP.Quy Nhơn khoảng 52 km, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía tây tỉnh Bình Định. Điểm nhấn của huyện là trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây đô thị hóa diễn ra khá nhanh; không gian đô thị từng bước được mở rộng.