"Vì người Việt ở nhật"
Kể về ý tưởng tạo lập nên HONTO, Mei Phương chia sẻ: "Hồi ở Việt Nam, tôi làm việc tại VTV, khi sang Nhật định cư năm 2017, rất nhớ nghề. Nhìn lại cộng đồng Việt bây giờ đã hơn 600.000 người, xếp thứ hai sau Mỹ, tìm đơn vị đưa thông tin chính thống, đúng sự thật, tính báo chí cao thì chưa ai làm. Cùng lúc, thông tin tiêu cực trong cộng đồng Việt ngày một nhiều, dẫn đến nhiều suy nghĩ không hay về người Việt ở Nhật. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó, mất gần một năm từ khi lên ý tưởng, bắt tay sản xuất chương trình, nghe thêm ý kiến góp ý, tư vấn từ bạn bè, cộng động người Việt ở Nhật. Tháng 9.2021, HONTO trình chiếu chương trình đầu tiên, đến tháng 3.2022, HONTO chính thức ra mắt tư cách pháp nhân là kênh truyền thông Vì người Việt ở Nhật".
Tính đến 2024, toàn nước Nhật có hơn 30 hội nhóm sinh hoạt cộng đồng của người Việt, nếu so sánh với hoạt động kiều bào các nước khác thì đây là con số khá lớn. Thành phần người Việt ở Nhật cũng đa dạng, chiếm đến 80% là các bạn hợp tác lao động và du học sinh. Nhưng để ý sẽ thấy mảng truyền thông về hoạt động từ hội nhóm người Việt ở Nhật hãn hữu, cảm giác hoạt động đơn lẻ và yếu. Kỳ thực không phải vậy, Mei Phương đưa ra minh chứng: "Người Việt ở Nhật hoạt động sôi nổi lắm, nhất là sau Covid-19. Thống kê trong năm 2023, có hơn 400 sự kiện kết nối Việt - Nhật diễn ra ở khắp các tỉnh thành, cho thấy hoạt động diễn ra thường xuyên, chỉ là truyền thông chưa đẩy mạnh nên không được biết đến".
Ra đời với mục tiêu "vì người Việt ở Nhật", HONTO tập trung sản xuất các nội dung, tin ảnh, bài viết, làm chuỗi chương trình dài kỳ dạng video ngắn, phát trên không gian mạng. Trang Facebook của HONTO truyền tải tin tức trích lược từ báo chí chính thống, từ thông tin chính phủ Nhật để người Việt có thể tiếp cận.
Mei Phương xây dựng trên HONTO chuỗi chương trình hấp dẫn với người Việt trong nước và ở Nhật có tên gọi "Người Việt ở Nhật đang làm gì ?". Câu trả lời là phóng sự thể hiện đầy đủ ngày làm việc của một người Việt tại Nhật một cách cặn kẽ, tỉ mỉ. Qua đó truyền tải thông điệp rõ ràng về đời sống người Việt ở Nhật đang diễn ra thế nào, có như những lời hứa ngọt ngào của các công ty môi giới, có những khó khăn gì phải đối mặt, và hơn hết là thấy ở đó nỗ lực của người Việt để có được cuộc sống ổn định nơi xứ người.
Chuỗi chương trình này mang lại cho Mei Phương giải Báo chí Đối ngoại 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức. Mei Phương tự hào: "Tôi sẽ tiếp tục triển khai tiếp nội dung này, mỗi người Việt ở Nhật là một câu chuyện khác nhau, nhưng để sống được ở Nhật, mọi người phải nỗ lực nhiều lắm, và tôi muốn cho mọi người hiểu rõ thực tế cuộc sống".
KẾT NỐI NHÂN DÂN VÀ XÂY DỰNG NIỀM TIN CON NGƯỜI
Ở tầm quốc gia, mối quan hệ ngoại giao và kết nối Việt - Nhật luôn tốt đẹp từ bao năm qua, Mei Phương dùng HONTO tạo kết nối cụ thể, gọi là: "Kết nối nhân dân". Mei Phương nói: "Tôi muốn HONTO làm nhiệm vụ kết nối người dân với nhau. Tôi muốn truyền tải nỗ lực các cá nhân cụ thể trong cộng đồng người Việt đang sống tại Nhật, để người Việt thấy đó là tấm gương, người Nhật thấy còn nhiều người Việt tốt như thế... Ngắn gọn hơn là tái hiện bức tranh chân thật nhất về đời sống người Việt cho người Nhật hiểu, đồng thời xây dựng niềm tin giữa người Nhật với người Việt, giữa người Việt với nhau, mục đích để kết nối nhân dân và xây dựng niềm tin con người".
Sống hội nhập vào xã hội Nhật, người Việt cần hiểu luật để tránh các hành vi phạm pháp, Mei Phương dựng lên chương trình mang tên: "Pháp luật Nhật không khó", chọn ra 10 chủ đề, đúng hơn là 10 chủ đề đáng quan tâm nhất để làm theo hình thức nghị luận trường quay. Mei Phương kể: "Chuỗi chương trình này được Sở Cảnh sát Tokyo và Hội Luật sư hành chính Tokyo cố vấn nội dung, tôi xây dựng chương trình, bởi nói về luật theo cách răn đe thì khó tiếp thu, nên chọn mời cùng lúc 4 vị khách ở các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau đến trường quay tranh luận một chủ đề, từ đó rút ra cách ứng biến phù hợp. Chương trình này tôi được Bộ Ngoại giao Nhật chọn làm dự án kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước và được kiều bào đón nhận nhiều. HONTO vừa hoàn thiện 10 chương trình, Sở cảnh sát đề nghị làm tiếp mùa 2, nhưng đang gặp chút khó khăn kinh phí nên chưa thực hiện được".
Vận hành HONTO theo mục tiêu kết nối nhân dân, khi hỏi về cảm nhận của người Nhật về người Việt ở Nhật, Mei Phương kể lại những trải nghiệm: "Có thể người do HONTO chọn phỏng vấn đều thiện cảm với Việt Nam nên luôn có những nhận xét tích cực, đó là: Chăm chỉ, khéo tay, phụ nữ Việt rất mạnh mẽ".
Chia sẻ thêm về những áp lực trong công việc, Mei Phương tâm sự: "Do làm điều chưa ai làm, nên khi gặp khó khăn lại không biết hỏi ai, phải tự mình xoay xở. Tài chính vận hành cũng là vấn đề, vì HONTO phục vụ cộng đồng, nên không có doanh thu. Về kế hoạch tương lai, HONTO sẽ xây dựng kênh thông tin bằng tiếng Nhật, để người Nhật hiểu hơn về con người Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, ẩm thực, kinh tế, chính sách ưu đãi…".
Mô hình HONTO cũng là kiểu mẫu để có thể nhân rộng và lan tỏa không chỉ riêng trong lãnh thổ Nhật Bản, góp phần làm đẹp hình ảnh người Việt ở cả trong nước và quốc tế.
Các khen thưởng của Mei Phương cùng HONTO TV trong quan hệ Việt - Nhật
• Hiệp hội Việt Nam (Nhật Bản) tặng bằng khen với những đóng góp có ý nghĩa cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam
• Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phạm Quang Hiệu tặng giấy khen cho cá nhân có đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản 2023
• Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phạm Quang Hiệu tặng giấy khen cho HONTO TV với nhiều thành tích đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản