Các doanh nghiệp tham gia hội chợ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP… thâm nhập được vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại.
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024 với quy mô 250 gian hàng, thu hút hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Sự kiện diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City-72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Đây là năm thứ 10 liên tiếp do UBND Thành phố chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức.
Các doanh nghiệp sản xuất, các hợp tác xã, đại diện các Hiệp hội ngành nghề và đặc biệt là sự hiện diện của 59 tỉnh, thành phố trực tiếp tham dự tổ chức “Gian hàng đặc sản” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý…
Nhiều sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP với chất lượng, mẫu mã bao bì hướng tới xuất khẩu được giới thiệu tại hội chợ. Vùng núi cao Tây Bắc với Bánh chè di sản (được làm từ những cây trà cổ thụ shan tuyết hàng trăm năm của vùng Tây Bắc), gạo Séng cù, ớt Mường Khương, trâu gác bếp, bí thơm Bắc Kạn, cam Hàm Yên… Vùng Sông Hồng với cá kho làng Vũ Đại, rươi Tứ Kỳ, nhãn Hưng Yên, kẹo lạc Sìu Châu…
Miền Trung với yến sào Khánh Hòa, tỏi Lý Sơn, hải sản Phú Yên, nho Ninh Thuận, trầm hương Quảng Nam… Tây Nguyên với hồng treo gió, bơ Đại Hùng, macca, café, bò 1 nắng, cà phê thơm mùi nắng gió… Nam Bộ với Bánh tráng, muối Tây Ninh, bò khô Đồng Nai, hạt điều, tiêu, macca… Đồng bằng Sông Cửu Long với cua Cà Mau, mắm Gò Công, đường thốt nốt, mật hoa dừa, tiêu Phú Quốc, bánh pía…
Trong khuôn khổ Hội chợ, các hoạt động kết nối giao thương được diễn ra liên tục giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn (AEON, Lotte, Central Retail, các chuỗi cửa hàng sạch, các sàn thương mại điện tử Alibaba, Foodmap…). Nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, trình diễn sản phẩm được các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tham gia xây dựng, tạo thành ngày hội để du khách khám phá và trải nghiệm đặc sản, văn hóa, du lịch của các vùng miền trong cả nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) nhấn mạnh, hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tiêu biểu, có thế mạnh tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng-tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô.
Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa. Là sự kiện được người tiêu dùng hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
Nhấn mạnh tới hiệu quả của Hội chợ đặc sản vùng miền diễn ra thường niên hàng năm, ông Dương cho rằng, sau 10 năm tổ chức thành công, từ những ngày đầu tiên với 150 gian hàng đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, hàng hóa thu hút hàng nghìn lượt khách giao dịch tham quan, mua sắm.
Năm 2023, Hội chợ thu hút trên 50.000 lượt khách tham quan, mua sắm đạt gần 50 tỷ doanh thu bán lẻ. Đặc biệt, rất nhiều các giao dịch đã thành công trở thành nhà cung cấp sản phẩm lâu dài tại các hệ thống phân phối và các đối tác lớn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đơn vị tham gia.
Để hội chợ mang lại kết quả thực sự cho doanh nghiệp tham gia, ông Dương chia sẻ, ban tổ chức không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng, cập nhật những phương thức mới phù hợp với thời đại chuyển đổi số và sự phát triển của thương mại điện tử.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hội chợ, sản phẩm trưng bày tại hội chợ được Ban tổ chức quan tâm, lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý…
“Mục tiêu Hội chợ trở thành Ngày hội- sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đón nhận”, ông Dương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, đại diện khu trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lạc quan cho biết, hội chợ chính là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả các sản phẩm đặc sản Việt Nam đến với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị...
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...