Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận phương thức điều hành triển khai nghị quyết của TP.HCM thời gian qua còn bị rối, mỗi người một mảng nên thiếu bài bản. "Cần củng cố lại quy chế, chương trình làm việc, tính lại đội hình chứ ai cũng kiêm nhiệm không thì rất là khó", ông chia sẻ thêm.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá có tình trạng quá tải, nhiều việc ở các cơ quan chuyên môn khi trình những đề án khó hơn, tạo sức ép lên các cơ quan thẩm định. Do vậy, cần có bộ máy chuyên trách Nghị quyết 98, đây là bộ máy chuyên trách cho những vấn đề mới và sáng tạo, nhân sự tham gia xuyên suốt, huy động được chuyên gia, nhà đầu tư. "Nếu huy động được các nhà đầu tư chiến lược họ ngồi lại với chúng ta để vạch ra kế hoạch, đưa thành quy định thì khi thực hiện sẽ thuận lợi", TS Vũ nhìn nhận.
Chuyên gia này cũng nhận định việc điều chỉnh thể chế còn chậm, khi thí điểm một việc gì đó thì phối hợp trong nội bộ các cơ quan của TP.HCM và giữa TP.HCM với các bộ, ngành vẫn chưa thông suốt. Ông Vũ dẫn chứng TP.Thượng Hải (Trung Quốc) trong 5 năm sửa đến 9 - 10 lần thể chế để đáp ứng nhu cầu của DN; hay như chính phủ Đức sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư 3 tỉ USD để làm nhà máy bán dẫn trị giá 10 tỉ USD vì nhận thấy đó là việc quan trọng.
PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ, cho rằng TP.HCM cần thực hiện song song nhiều việc, vừa làm vừa thống kê, đánh giá để điều chỉnh chính sách kịp thời, không nên chờ 4 - 5 năm mới đánh giá. Chuyên gia này khuyến nghị TP.HCM cũng cần có thêm các nhóm, tổ giám sát, phản biện việc thực thi nghị quyết, bên cạnh việc giám sát của HĐND TP.HCM và các đoàn thể. Nếu có một khó khăn, điểm nghẽn hoặc điều gì đó bất hợp lý thì có thể giải quyết ngay, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, chính quyền cũng cần có kênh ghi nhận phản ánh, kiến nghị theo từng lĩnh vực; từ các hiệp hội, nghiệp đoàn, người dân để điều chỉnh chính sách chứ không gói gọn trong một "bộ lọc" duy nhất từ hệ thống chính trị.