Dự án cải tạo, mở rộng tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện từ năm 1994 - 1996 và lần 2 từ năm 2012 - 2014. Nghệ An đã thu hồi đất để giải phóng mặt bằng với chiều dài 83,8 km, với hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ bồi thường tài sản trên đất, không bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Sau nhiều năm trôi qua, một số người dân cho rằng việc UBND tỉnh Nghệ An không bồi thường diện tích đất bị thu hồi này là không đúng quy định của pháp luật nên đã khiếu nại. Sau khi kiểm tra, rà soát lại hồ sơ và thực địa, UBND tỉnh Nghệ An nhận thấy yêu cầu của người dân là có cơ sở nên đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành để xin ý kiến chỉ đạo. Từ năm 2016, tỉnh Nghệ An đã rà soát số hộ dân bị ảnh hưởng, kiến nghị lên T.Ư bố trí nguồn vốn chi trả đền bù cho dân.
Năm 2020, Thủ tướng đồng ý cấp kinh phí bổ sung hơn 222 tỉ đồng để chi trả cho người dân bị thu hồi đất ở 4 huyện. Tuy nhiên, khi rà soát kỹ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định số hộ dân bị thu hồi nhưng chưa được bồi thường là rất lớn. Năm 2022, tỉnh Nghệ An tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị bố trí thêm 1.283 tỉ đồng để chi trả bồi thường cho các hộ dân đã bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù.
Tháng 11.2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã đồng ý bổ sung 1.275 tỉ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An để giải quyết đền bù cho người dân. Ngày 27.12.2023, Thủ tướng có quyết định giao bổ sung số tiền này cho tỉnh để chi trả cho người dân.
Vướng vì… hậu quả của lịch sử
Ngay sau khi được Chính phủ bố trí kinh phí, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương chi trả bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện chi trả đã phát sinh rất nhiều khó khăn trong việc xác định diện tích đất thu hồi, nguồn gốc đất, trong khi thời hạn giải ngân là khá gấp, phải hoàn thành trong năm 2024.
TX.Hoàng Mai là địa phương có kinh phí bồi thường nhiều nhất với hơn 618 tỉ đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là tại P.Quỳnh Xuân có hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất thời điểm 1994 - 1996, nhưng rất ít hộ dân được bồi thường tài sản trên đất có trích lục, số hộ còn lại không có hồ sơ lưu trữ nên rất khó để xác định nguồn gốc và diện tích đất bị thu hồi. Cụ thể, trong số 138 hộ có đơn đề nghị bồi thường, chỉ có 11 hộ có trích lục thể hiện phần diện tích bị ảnh hưởng của dự án trong phạm vi 13,6 m (tính từ tâm QL1), còn 127 hộ có diện tích đất bị thu hồi trong phạm vi 13,5 m nhưng bản đồ trích đo không thể hiện phần diện tích thửa đất bị ảnh hưởng, nên rất khó có cơ sở bồi thường.
Ông Phạm Văn Hào, Phó chủ tịch UBND TX.Hoàng Mai, cho biết UBND TX.Hoàng Mai đã có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp tỉnh để xem xét, hỗ trợ giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Tại H.Quỳnh Lưu, nhiều hộ dân bị thu hồi đất nhưng lại không đủ điều kiện bồi thường vì sơ suất của cơ quan chức năng trước đây. Ông Hồ Hữu Châu, Chủ tịch UBND TT.Cầu Giát (H.Quỳnh Lưu), cho biết có gần 400 hộ dân của thị trấn bị thu hồi đất từ những năm 1994 - 1996. Thời điểm đó, người dân chỉ được bồi thường tài sản trên đất. Tuy nhiên, theo hồ sơ địa chính thì những hộ dân này hiện không đủ điều kiện để bồi thường. "Trước đây, khi làm bản đồ 299 thì riêng TT.Cầu Giát bị bỏ sót, không làm. Đến năm 1992, địa phương đã làm bổ sung bản đồ nhưng đến năm 1997 mới được phê duyệt. Khi cấp sổ đỏ thì căn cứ theo bản đồ 1997 nên phần đất bị thu hồi để mở rộng QL1 những năm 1994 - 1996 đã không còn thể hiện trong hồ sơ. Do đó, các cơ quan chức năng cho rằng không có căn cứ để bồi thường", ông Châu nói.
Không đồng ý với quan điểm không bồi thường vì thiếu bản đồ 299, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Gia đình ông Nguyễn Viết Tâm (70 tuổi, ngụ khối 5, TT.Cầu Giát) có lô đất bám QL1 với chiều ngang 12 m. Dù đã bị thu hồi 47,9 m² đất nhưng gia đình ông chỉ được bồi thường 1,5 m² vì theo bản đồ 1997, chỉ có 1,5 m² này nằm trong đất ở, còn lại là đất giao thông. Với giá đất 8 triệu đồng/m², gia đình ông được 12 triệu đồng cộng với 13,8 triệu đồng tiền lãi suất do chi trả chậm nên được nhận 25,8 triệu đồng. "Thị trấn không có bản đồ 299 không phải là lỗi của dân. Đất gia đình tôi ở trên mảnh đất này từ trước năm 1954 đến nay. Tại sao ở các xã lân cận có bản đồ 299 thì được bồi thường, chúng tôi lại bị cho là đất giao thông là vô lý", ông Tâm nói.
Tại TT.Cầu Giát có 24 hộ dân khác cũng chỉ được bồi thường vỏn vẹn dưới 2 m² vì lý do tương tự.
Người dân ở đây cho biết đất của họ sử dụng có nguồn gốc trước năm 1980, nếu có bản đồ 299 thì diện tích đất của họ sẽ là đất ở, áp dụng bản đồ 1997 là thiệt thòi cho họ vì bản đồ này có sau khi thu hồi đất.
"Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo huyện tiếp tục thu thập thêm hồ sơ, tài liệu cung cấp cho tỉnh để xem xét, đảm bảo quyền lợi cho người dân", ông Hồ Hữu Châu, Chủ tịch UBND TT.Cầu Giát, nói.
Tại H.Diễn Châu, theo rà soát của cơ quan chức năng, có 1.549 hộ dân có đất sử dụng sau ngày 21.12.1982 cần được bồi thường với số tiền dự kiến phải chi trả là 508,6 tỉ đồng (trong đó hơn 50% là tiền chậm trả). Đại diện Phòng TN-MT H.Diễn Châu cho biết trước đây khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các hộ dọc QL1 chỉ có diện tích chứ không có bản đồ, hình thửa, vì thế việc xác định mốc giao đất gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, có những trường hợp mua đất cùng thời điểm nhưng khi làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ trước thì được cấp bao gồm cả hành lang giao thông, nhưng hộ được cấp giấy sau thì đã trừ hành lang giao thông (không được bồi thường) nên đã phát sinh khiếu kiện.
Tại cuộc họp mới đây, ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã giao các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, hoàn thành việc chi trả đối với các hộ đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường mặt bằng trước ngày 30.9, hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường mặt bằng đối với các hộ còn lại trước ngày 30.10 và hoàn thành toàn bộ việc chi trả 1.275 tỉ đồng trước ngày 30.11.2024. Tuy nhiên, với vướng mắc như hiện nay, việc giải ngân đúng hạn là không hề dễ.