Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được đánh giá là bản nghị quyết có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai đồng bộ, quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành và TP.HCM. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 4 văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và TP.HCM. Ở cấp độ địa phương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành, tổ giúp việc, hội đồng tư vấn với mục tiêu cao nhất là triển khai nhanh các cơ chế vào cuộc sống, tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong số 44 cơ chế đặc thù, đến nay có 30 cơ chế đã áp dụng, 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do có quy định mới, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng, 7 cơ chế TP.HCM đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, ở lĩnh vực quản lý đầu tư, TP.HCM đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; thông qua 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Với nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách, địa phương bố trí 1.500 tỉ đồng vốn đầu tư công hỗ trợ lãi suất các dự án được Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên; chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỉ đồng; hỗ trợ tỉnh Điện Biên 75 tỉ đồng thực hiện một số công trình.
Ở lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ, 5 đơn vị đăng ký chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, 2 dự án bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện. Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đến nay có 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ, trong đó hội đồng tư vấn tuyển chọn được 21 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ cho 15 hồ sơ.
Đáng chú ý, việc triển khai 9/10 cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền của TP.HCM giúp địa phương giải quyết nhanh hồ sơ của người dân và doanh nghiệp (DN) hơn. Cụ thể, TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm chuyển đổi số, bổ sung chức danh phó chủ tịch cho UBND TP.Thủ Đức, H.Cần Giờ, H.Hóc Môn và 51 phường, xã, thị trấn dân số trên 50.000 người.
PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ, đánh giá việc bổ sung cán bộ, công chức ở phường, xã đông dân đã giải quyết phần nào bất cập của sự đánh đồng biên chế giữa các địa phương. Về chi thu nhập tăng thêm, dù năm 2024 áp dụng mức 1,5 lần nhưng không phải đương nhiên mọi cán bộ, công chức đều được hưởng giống nhau, mà chỉ những người hoàn thành xuất sắc, có cống hiến mới được hưởng mức tối đa. Điều này tạo sự cạnh tranh, thôi thúc công chức cống hiến.
Việc phân cấp mạnh mẽ giúp rút gọn thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ nhanh chóng, người dân và DN được hưởng lợi. Chuyên gia này đánh giá với Nghị định 84/2024 của Chính phủ mới ban hành, TP.HCM sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quản trị, phát triển kinh tế, chủ động sử dụng ngân sách triển khai dự án hạ tầng.
Nền tảng để TP.HCM phát triển nhanh
Tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 10.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá 1 năm triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã mang lại những kết quả bước đầu rất cơ bản, tích cực, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển TP.HCM nhanh, mạnh, bền vững. "Suy nghĩ đã chín, tư tưởng đã thông, cơ chế đã có, cờ đã đến tay thì phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm. Phải phát huy hơn nữa tư tưởng tấn công, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung", Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý thêm.
Đồng quan điểm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định với 30/44 cơ chế được triển khai góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã gặp trước đó, đồng thời khơi thông nhiều điểm nghẽn, chuẩn bị cho kế hoạch trung hạn và dài hạn. Các chỉ tiêu kinh tế như tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu ngân sách, sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, an sinh xã hội những tháng đầu năm 2024 đạt được có sự trợ lực từ các cơ chế đặc thù.
"Những kết quả đạt được trong năm qua rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh đội ngũ nhân sự thực hiện không tăng thêm", Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá. Riêng cơ chế chi thu nhập tăng thêm giúp cán bộ, công chức thấy được quan tâm hơn, tập trung hơn, yên tâm hơn và năng động, sáng tạo hơn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Không chỉ hệ thống chính trị của TP.HCM mà nhiều cơ quan T.Ư đứng chân trên địa bàn cũng được thụ hưởng chính sách này.
Nhắc lại thời điểm triển khai Nghị quyết 98, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM chia sẻ cảm xúc chung lúc đó giống như triển khai một chiến dịch, thấy được tinh thần hành động quyết liệt của Chính phủ và TP.HCM, tạo ra khí thế hết sức mạnh mẽ, đồng bộ trong toàn hệ thống điều hành, thực thi pháp luật. Không thể phủ nhận những phần việc đã triển khai rất lớn, song theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, dù là nghị quyết đặc thù nhưng cũng cần có thời gian vì thành phố lớn, có những thứ thấy được liền, có những thứ cần thời gian. Thực tiễn cho thấy nhiều việc còn lúng túng trong triển khai, vướng mắc trong phối hợp, biểu hiện cầu toàn, do dự, sợ rủi ro, nhiều khâu quá tải.
Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư
"Nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế để khơi nguồn lực và tháo gỡ cơ chế để TP.HCM được phân cấp, phân quyền, chủ động hơn, nhưng cả 2 việc trên đều chưa đạt như mong muốn", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận. Về pháp lý, các cơ chế, chính sách vượt trội là thí điểm nhưng vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành. Chưa kể, các quy trình, thủ tục đều do bộ, ngành ban hành chứ chưa phân cấp cho UBND TP.HCM. Đơn cử như việc ban hành danh mục dự án và các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, dù phân cấp về cho HĐND TP.HCM phê duyệt nhưng trước khi thông qua thì UBND TP.HCM vẫn phải báo cáo, hiệp thương với Bộ KH-ĐT. Theo ông Mãi, phải gỡ vướng cơ chế nhà đầu tư chiến lược mới có thể kêu gọi đầu tư vào dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu công nghệ cao.
Một cơ chế khác được kỳ vọng khai phóng nguồn lực đất đai là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở việc xác định 7 vị trí phù hợp dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và Vành đai 3. TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, lý giải dù có cơ chế nhưng nếu không phù hợp quy hoạch thì vẫn không thể triển khai. TP.HCM đang hoàn thiện 2 đồ án quy hoạch gồm điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch KT-XH trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết cơ chế phát triển đô thị theo mô hình TOD ước tính mang về cho ngân sách khoảng 100.000 tỉ đồng, tái cấu trúc lại không gian đô thị. Sắp tới, TP.HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch chi tiết ở 6 vị trí để triển khai, ưu tiên thực hiện trước ở TP.Thủ Đức. Đối với 41 dự án đối tác công - tư lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và 5 dự án mở rộng đường theo hình thức BOT, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư trong quý 3 và quý 4/2024 và khởi công trong năm 2025.
Với những việc còn vướng mắc, Bí thư Nguyễn Văn Nên gợi mở UBND TP.HCM chủ động trao đổi, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho thực hiện theo tinh thần đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, những việc vượt quá thẩm quyền mới gửi văn bản xin ý kiến cơ quan T.Ư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: TP.HCM không chỉ giàu về kinh tế mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa
Sài Gòn - TP.HCM xưa nay luôn gắn bó máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước. Trong gần 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, TP.HCM luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên các phương diện tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu ngân sách, năng suất lao động, cơ chế, chính sách mới, mô hình kinh doanh mới. Nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới, cách làm mới thường được triển khai ở TP.HCM rồi nhân rộng cả nước.
Trong thời gian tới, TP.HCM cần định hình tương lai là thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. TP.HCM cần biến quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ TP.HCM về việc xây dựng "Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo" như tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đã đề ra, thành những việc làm, thành quả trong thực tiễn, để TP.HCM thực sự là thành phố văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
TP.HCM cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, công nghệ số, xã hội số. Đồng thời, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở, nâng cao chất lượng bệnh viện quận huyện, phát triển y tế dự phòng, giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. TP.HCM đặt mục tiêu 21 bác sĩ/10.000 dân là rất hay rồi, nhưng cần hướng tới chỉ tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe tại các cơ sở y tế một lần trong năm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần quan tâm phát triển, nâng cao và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng. Vừa qua, TP.HCM làm lễ hội sông nước rất hay, đó là nét đặc trưng của thành phố. TP.HCM phát triển để mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP.HCM thành một thành phố giàu có. Giàu có không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, về văn hóa, giàu về tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên.
(Trích ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM ngày 17.8)
Thủ Đức ủy quyền 187 nội dung cho phòng ban, phường
Đến nay, 4 cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức được triển khai tương đối toàn diện. Về thành lập tổ chức bộ máy, UBND TP.Thủ Đức đã thành lập Thanh tra Xây dựng, Trung tâm hành chính công, 3 đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, Trung tâm an sinh xã hội và Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật). Qua sơ kết, các trung tâm đều hoạt động hiệu quả, thích ứng với quy mô dân số hơn 1 triệu dân.
Về phân cấp, ủy quyền, UBND TP.Thủ Đức đã ban hành 28 quyết định ủy quyền 187 nội dung xuống cho các phòng ban chuyên môn và 34 phường. Đơn cử như trước đây, cấp số nhà thuộc thẩm quyền của cấp quận, nay được giao về cho các phường. Có phường còn kiến nghị được phép cấp số nhà cho các tổ chức, thay vì chỉ hộ gia đình như hiện nay. Riêng việc tiếp nhận dự án đầu tư, TP.Thủ Đức được Sở KH-ĐT hỗ trợ, hướng dẫn 3 tháng đầu, đến nay đã nhịp nhàng, tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư 6 dự án tổng vốn gần 3.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Sở KH-CN cũng thống nhất phương án chi 36 tỉ đồng cho 17 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Từ thực tiễn, địa phương kiến nghị những mô hình thí điểm thì cứ giữ nguyên, không vì một mô hình mới mà tác động đến mô hình thí điểm. Như sắp tới, TP.HCM nghiên cứu thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công thì Trung tâm hành chính công TP.Thủ Đức vẫn giữ nguyên để phục vụ những yêu cầu chung, chứ không nên sáp nhập thành đơn vị ngành dọc.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức