Cục trưởng Cục Trẻ em bày tỏ: "Chúng tôi rất cảm ơn các PV Báo Thanh Niên đã có công sức nắm tình hình, điều tra vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, phản ánh cho công luận, cơ quan chức năng để kịp thời có can thiệp. Đây là vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi hành vi bạo lực diễn ra với cả trẻ sơ sinh, đây là những hành vi không bao giờ được phép xảy ra ở cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em".
"Luật Trẻ em có quy định chăm sóc tại các cơ sở tập trung là biện pháp cuối cùng, trẻ phải được ưu tiên chăm sóc trong môi trường gia đình, hoặc cạnh người thân, nhưng nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này. Thực tế, có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại, thậm chí vượt quá số lượng cho phép, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội", ông Nam nói.
Bổ sung các quy định để lấp lỗ hổng
Để có những giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra tương tự trong các cơ sở trợ giúp xã hội, ông Đặng Hoa Nam cho hay, việc duy trì thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Cần phải ưu tiên việc thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ trẻ em nói chung và thanh tra, kiểm tra về các cơ sở, dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
"Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ không thu phí, tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ xã hội, từ các cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng phải kiểm tra và xử lý dứt điểm những việc không lập sổ sách, không công khai tài chính về các nguồn lực vật chất được sử dụng cho trẻ, để tránh việc trục lợi, lợi dụng việc chăm sóc trẻ nhằm thu hút các nguồn hỗ trợ từ xã hội", ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh trách nhiệm tăng cường giám sát kiểm tra của các cơ quan chức năng và của người đứng đầu, việc sử dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin để có cơ sở dữ liệu phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực đối với trẻ trong các cơ sở chăm sóc tập trung cũng là việc làm cần thiết.
Lãnh đạo Cục Trẻ em bày tỏ: "Chúng tôi lấy làm tiếc, hệ thống giám sát camera lại không được thực hiện tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Quy định hiện nay việc lắp đặt camera tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là không bắt buộc. Để có thể ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự, Cục Trẻ em khuyến nghị các cơ sở này nên lắp đặt camera giám sát. Tới đây, khi sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa việc lắp đặt camera giám sát thành quy định bắt buộc".
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vụ việc này cũng cho thấy lỗ hổng lớn nhất là về nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã. "Chúng ta cần phải có đội ngũ nhân viên về công tác xã hội để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn về công tác xã hội, giám sát thường xuyên từng đầu trẻ, từng đối tượng được chăm sóc ở trong cộng đồng và trong gia đình, trong các cơ sở thì chúng ta mới phòng ngừa, kéo giảm bạo lực trẻ em", ông Nam nêu ý kiến.
Cục Trẻ em đề nghị TP.HCM thời gian tới phải thiết lập được cơ chế, mạng lưới điều phối chuyển tuyến tại các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Cầu nối điều phối có thể là Sở LĐ-TB-XH hoặc trung tâm công tác xã hội trực thuộc TP.
Kiên quyết xử lý cơ sở vi phạm
Vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng cho thấy công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Do đó, bên cạnh việc xử lý các đối tượng vi phạm trực tiếp, cần xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước về trẻ em ở địa phương, nhất là trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH phối hợp chặt chẽ với UBND 63 tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương rà soát toàn bộ các cơ sở có nuôi dưỡng trẻ em tập trung trong toàn quốc, kể cả cơ sở công lập và ngoài công lập.
Phát hiện, kiên quyết xử lý đối với những cơ sở không đủ điều kiện và những cơ sở có dấu hiệu vi phạm, thậm chí rút giấy phép, đình chỉ hoạt động.
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đã có nhiều kiến nghị về việc hoàn thiện pháp luật, tăng cường thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, pháp luật về chăm sóc trẻ em mồ côi. Cụ thể, Ủy ban đã kiến nghị Bộ VH-TT-DL tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình; tạo nền tảng gia đình vững chắc không có bạo lực gia đình, giảm thiểu tình trạng ly hôn, ly thân để trẻ em được sống trong môi trường đầy đủ yêu thương, an toàn, hạnh phúc.
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng đã đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thực hiện việc tìm kiếm gia đình thay thế đối với trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, để các em được chăm sóc trong môi trường gia đình.
Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội
Không phải đến khi xảy ra rồi mới xử lý
Sai phạm trong vụ việc Mái ấm Hoa Hồng dù xử lý nghiêm khắc ra sao đi nữa thì cũng không thể bù đắp tổn thương mà những đứa trẻ đã phải trải qua. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự, không phải đến khi xảy ra rồi mới xử lý.
Trước tiên, cần xử lý thật nghiêm khắc, công khai thông tin về biện pháp, quá trình xử lý để xã hội, dư luận biết; từ đó tăng sự răn đe, giáo dục chung.
Tiếp theo, cần chủ động thanh tra, kiểm tra vai trò quản lý của các cơ quan có liên quan, nhất là lĩnh vực trẻ em; tăng cường chính sách chăm lo cho người yếu thế, đặc biệt là trẻ em, đảm bảo các cháu không bị xâm hại đến quyền lợi. Không nên chủ quan, dù là hoạt động từ thiện thì cũng cần có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát, để luôn nắm bắt kịp thời các phát sinh (nếu có) và có biện pháp xử lý.
Bà Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội
Tổ chức Đoàn, Đội sẽ phối hợp giám sát, rà soát các mái ấm, nhà mở
Ngay sáng 4.9, khi nắm bắt thông tin, với vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo luật Trẻ em năm 2016, song song với việc trao đổi với lãnh đạo Báo Thanh Niên để có đầy đủ thông tin vụ việc, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã đề nghị Thành đoàn, Hội đồng Đội TP.HCM khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc. Chúng tôi cũng đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia pháp lý là các thành viên của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp T.Ư (trực thuộc T.Ư Đoàn).
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một loạt hoạt động để góp phần bảo đảm giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em. Đồng thời, tổ chức Đoàn, Đội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc giám sát, rà soát toàn diện các mái ấm, nhà mở, cơ sở bảo trợ trẻ em, đặc biệt tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có đông thanh niên công nhân, lao động trẻ sinh sống và làm việc. Các cấp Đoàn và các câu lạc bộ phụ trách thiếu nhi tại địa bàn dân cư sẽ tích cực theo dõi tình hình trẻ em, kịp thời phát hiện và báo cáo các trường hợp bạo hành cho các cơ quan chức năng.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn,Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư
Lê Hiệp - Tuyến Phan - Vũ Thơ (ghi)