Theo đại tá Nguyễn Hà Lai, nhận thấy vụ đấu giá mỏ cát này không bảo đảm nên đã yêu cầu UBND TX.Điện Bàn cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan buổi đấu giá mỏ cát ĐB2B để cơ quan chức năng điều tra, rà soát lại các thủ tục đấu giá khoáng sản có đúng quy định của pháp luật hay không. Đặc biệt, xem xét đơn vị trúng thầu có đảm bảo năng lực tài chính hay không.
"Đây là vụ đấu giá 'không trong sáng', nhằm mục đích để phá cuộc đấu giá này, gây ảnh hưởng đến kết quả cũng như người tham gia đấu giá, kiểu "ăn không được sẽ đạp đổ", đại tá Lai nhận định.
Cũng theo đại tá Nguyễn Hà Lai, với mức giá đấu cao ngất ngưởng như vậy chắc chắn là bất thường. Thời gian qua ở các địa phương có một số doanh nghiệp đấu trúng mỏ cát với giá cao nhưng sau đó đều bỏ cọc.
"Hiện chưa thể xác định được doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát ở TX.Điện Bàn có thực hiện được không hay lại bỏ cọc. Vì vậy, Công an tỉnh đã chỉ đạo anh em thu thập tài liệu về cuộc đấu giá này để xem năng lực tài chính các đơn vị tham gia đấu giá như thế nào", đại tá Lai chia sẻ thêm.
Trước đó, sáng 18.10, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B (xã Điện Thọ, TX.Điện Bàn).
Phiên đấu giá kéo dài từ 8 giờ ngày 18.10 và kết thúc lúc 4 giờ 8 phút ngày 19.10, sau khi trải qua 200 vòng đấu giá, kéo dài hơn 20 giờ đồng hồ.
Kết quả, mỏ cát được chốt giá 370 tỉ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm (1,2 tỉ đồng). Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty CP MT Quảng Đà có địa chỉ tại Q.Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng).
Theo thông tin mời đấu giá quyền khai thác cát tại điểm mỏ ĐB2B, đây là mỏ cát xây dựng có diện tích 6,04 ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000 m3. Doanh nghiệp tham gia phải đặt trước 242,8 triệu đồng.
Bất thường
Điều đáng nói, kết quả đấu giá cát cao "không tưởng" này đang gây xôn xao cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, khoáng sản và người dân ở Quảng Nam và các địa phương lân cận. Bởi, việc doanh nghiệp trúng đấu giá đã chốt 370 tỉ đồng cho mỏ cát có trữ lượng 159.000 m3 thì buộc đơn vị này phải mua của Nhà nước giá 2,3 triệu đồng/m3 cát.
Nhiều người cho rằng, kết quả mà doanh nghiệp đấu giá trúng mỏ cát với giá đã chốt 370 tỉ đồng cho 159.000 m3 cát là quá phi lý, nếu so với giá cát mà UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt ban hành (150.000 đồng/m3). Như vậy, sẽ dẫn tới việc đẩy giá cát lên cao, phá vỡ thị trường, gây mất an ninh.
Liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát "bất thường" này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản gửi Công an tỉnh, UBND TX.Điện Bàn và các sở TN-MT, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính về việc kiểm tra dấu hiệu bất thường đối với trường hợp đấu giá mỏ cát ký hiệu ĐB2B.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành chức năng liên quan và UBND TX.Điện Bàn kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B.
Đáng chú ý, ông Dũng cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, UBND TX.Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B.
Trao đổi với PV Thanh Niên trước đó, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định so với mức giá mà UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành thì việc doanh nghiệp đấu giá mỏ cát cao ngất ngưởng như vậy là có dấu hiệu bất thường.
"Hiện chưa thể xác định được doanh nghiệp này đấu giá mỏ cát với giá cao rồi bỏ cọc hay không, nhưng trước mắt tỉnh yêu cầu các ngành chức năng có liên quan vào cuộc điều tra, sai phạm đến đâu thì sẽ xử lý đến đó", ông Dũng nói.