Cạnh tranh bắt đầu
Theo tờ The Star của Malaysia, The Exchange TRX nằm ở Bukit Bintang, khu mua sắm chính ở Kuala Lumpur. Với diện tích cho thuê ròng là 120.000 m2, trung tâm thương mại có khoảng 400 cửa hàng trên 4 tầng. Tầng một trưng bày các thương hiệu xa xỉ như Chanel.
Các thương hiệu nổi tiếng khác cũng đã thành lập cửa hàng như Gentle Monster, nhà bán lẻ kính mắt nổi tiếng của Hàn Quốc và thương hiệu thời trang Pháp-Nhật Maison Kitsune. Cửa hàng bách hóa Seibu của Nhật Bản cũng có mặt ở đây.
Theo báo Nikkei Asia, The Exchange TRX là một phần của dự án tái phát triển nhằm tạo ra khu tài chính quốc tế ở trung tâm Kuala Lumpur. Việc phát triển và vận hành trung tâm thương mại này được thực hiện bởi một liên doanh giữa nhà phát triển bất động sản Lendlease của Úc và một công ty thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia.
Ông Mitch Wilson, giám đốc dự án của The Exchange TRX và người đứng đầu bộ phận bán lẻ của Lendlease Malaysia, cho biết các nhãn hàng đã thuê 98% diện tích của trung tâm mua sắm. Đây được cho là điều bất thường đối với Malaysia, nơi một số trung tâm thương mại mở ra với nhiều cửa hàng chưa hoàn thiện do người thuê chưa sẵn sàng.
Lo ngại tình trạng dư cung
The Exchange TRX đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khác trong khu vực. Một trung tâm mua sắm lớn dự kiến sẽ mở gần đó vào năm 2024, thúc đẩy sự cạnh tranh trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế toàn quốc.
Viễn cảnh này có thể sẽ trở thành mối lo ngại trong tương lai. Tại Kuala Lumpur, các trung tâm mua sắm mới đã được xây dựng nhằm đón đầu nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhưng cũng có những lo ngại về tình trạng dư cung.
Trung tâm Pavilion Damansara Heights dành cho đối tượng khách hàng thượng lưu đã khai trương tại khu dân cư cao cấp vào tháng 10 nhưng vẫn còn nhiều chỗ trống. Ngoài ra, một trung tâm thương mại lớn khác sẽ mở cửa vào năm 2024 gần The Exchange TRX. Địa điểm này tọa lạc tại Merdeka 118, tòa nhà chọc trời cao thứ 2 thế giới.
Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Yulia Nikulicheva của công ty bất động sản JLL Malaysia nhận định: "Tỷ lệ mặt bằng trống trong thị trường ở phân khúc cao cấp hiện ở mức 17,2% và dự kiến tăng nhẹ trong những năm tới do có thêm trung tâm mua sắm gia nhập thị trường".
"Vị trí là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của các trung tâm mua sắm, đặc biệt là ở Kuala Lumpur, nơi tồn tại sự cạnh tranh mạnh mẽ của địa phương", bà Yulia nói.
Hơn nữa, dù đã có một khởi đầu thuận lợi, sàn giao dịch TRX vẫn còn nhiều thách thức. Việc liên tục mở cửa các trung tâm thương mại đã khiến một số người cảm thấy mệt mỏi. "Tất cả các trung tâm mua sắm đều khá giống nhau" là nhận định chung của người tiêu dùng.
Về triển vọng tương lai, các nhà nghiên cứu tại tổ chức CGS-CIMB Research (Singapore) nói rằng triển vọng của lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là ở trung tâm Kuala Lumpur, sẽ vẫn còn nhiều thách thức vào năm 2024. Nguyên nhân là do các không gian trống vẫn còn nhiều, cùng với mức thuế cao hơn đối với hàng hóa xa xỉ.
Thêm một lý do nữa là dù tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur đang được cải thiện nhưng vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Tập đoàn Bán lẻ Malaysia đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ hàng năm của Malaysia vào năm 2023 xuống 2,7% (từ mức 4,8% trước đó), do doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 4% trong quý 2 năm 2023.
"Về mặt tích cực, chúng tôi kỳ vọng chi tiêu tư nhân sẽ tiếp tục ổn định nhờ các chỉ số kinh tế tích cực của đất nước", The Star dẫn báo cáo của Tập đoàn Bán lẻ Malaysia.