Thái Bình đang trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư nên cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội, tạo điều kiện tối đa triển khai các dự án trên địa bàn.
Mới đây, tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Công ty TNHH Yuan Long Việt Nam đã ký hợp đồng thuê đất với Công ty Cổ phần Green i-Park, đánh dấu bước đầu cho dự án trị giá 120 triệu USD, với quy mô 15,6ha, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất quạt trần.
Dự án của Yuan Long Việt Nam sẽ được triển khai qua hai giai đoạn, với giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý IV/2025, và giai đoạn hai hoàn tất vào cuối quý IV/2028. Khi hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất quạt trần và linh kiện xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ, tạo doanh thu 3.200 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách 269 tỷ đồng/năm, và tạo khoảng 4.500 việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
Ông Nguyễn Minh Hưng - Chủ tịch HĐQT Green i-Park cho biết, dự án của Yuan Long không chỉ khẳng định sức hút của khu công nghiệp Liên Hà Thái mà còn minh chứng cho môi trường đầu tư chuyên nghiệp, thuận lợi tại Thái Bình. Đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Bà Đặng Thị Hiệp - Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Green i-Park (Chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN Liên Hà Thái) khẳng định, chúng tôi lựa chọn Thái Bình để điểm đến đầu tư là sự lựa chọn đúng đắn của Green i-Park. Sau 3 năm đầu tư, khu công nghiệp Liên Hà Thái trở thành khu công nghiệp đầu tàu, kiểu mẫu, thân thiện với môi trường, công nghệ cao hàng đầu ở vùng châu thổ sông Hồng, điển hình trong thu hút vốn đầu tư FDI. 21 nhà đầu tư thứ cấp đã tới đầu tư ở khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, với các ngành nghề công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: Điện, điện tử, tự động hóa, linh kiện ô tô... từ những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhấn mạnh, với tiềm năng, lợi thế và những cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn, thiết thực cùng định hướng phát triển thời gian qua, tỉnh Thái Bình đang trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, Thái Bình cần phải chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội tạo điều kiện tối đa về thủ tục hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án tại tỉnh; qua đó tạo ra sự thay đổi về bộ mặt, tầm vóc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Ngô Đông Hải cho biết thêm, Thái Bình luôn có tham vọng lấy công nghiệp làm động lực phát triển chính, thu hút đại bàng tới đầu tư. Nhưng câu hỏi đặt ra: Thái Bình sẽ lấy gì để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận có ưu thế phát triển công nghiệp từ lâu như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam... Bởi điều dễ nhận thấy, Thái Bình là tỉnh thuần nông, kinh tế manh mún, hạ tầng giao thông hạn hẹp.
Trên cơ sở định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thái Bình bắt tay vào xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế Thái Bình lớn nhất từ trước tới nay, với tâm thế “dọn ổ đón đại bàng tới đầu tư”. Đồng thời, để phục vụ phát triển khu công nghiệp nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình chia sẻ.
Ông Đặng Văn Bấc - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Thái Bình cho biết, Thái Bình sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện để dự án phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và địa phương.
Theo Phạm Đức Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, tỉnh Thái Bình đã và đang thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Như, tập trung cải cách hành chính, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (trên 30% so với quy định của Trung ương). Cùng đó, duy trì tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách.
Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ 100% thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để khởi công dự án (đối với thủ tục thuộc thẩm quyền của tỉnh Thái Bình sẽ rút ngắn tối đa thời gian giải quyết. Đối với thủ tục thuộc thẩm quyền của bộ, ngành Trung ương, tỉnh sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư làm việc với các bộ, ngành); đồng thời đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đây là điểm nhấn khác biệt trong xúc tiến, thu hút đầu tư của Thái Bình, nhà đầu tư rất ấn tượng và đánh giá cao về nỗ lực của tỉnh Thái Bình.
Về vị trí, Thái Bình tiệm cận với nhiều sân bay, cảng biển trọng điểm của miền Bắc. Về lao động, có nguồn lao động dồi dào với gần 2 triệu dân và 57% trong độ tuổi lao động, có nhiều cơ sở đào tạo bảo đảm nguồn lao động có cả lượng lẫn chất. Thái Bình có quỹ đất lớn, chính quyền các cấp, người dân sẵn sàng và nhận thức tích cực về việc chuyển đổi để phát triển dự án, phát triển kinh tế. Quan trọng hơn cả, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình có định hướng và quyết tâm lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ.
Hiện nay, Thái Bình đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp Hải Long, khu công nghiệp VSIP Thái Bình, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG và các thủ tục thành lập khu công nghiệp Dược - Sinh học... Tỉnh Thái Bình đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Hưng Yên để định hình tuyến đường mới mang tính huyết mạch nối từ Thái Bình về Hà Nội, còn gọi là tuyến đường xuyên tâm từ Hà Nội về Thái Bình, để rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian tới Thủ đô.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...