Tổ chức y tế thế giới cho biết, thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh từ tiêu chảy đến các bệnh mạn tính như ung thư.
Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em và người già.
Thực phẩm không an toàn bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật không được nấu chín kỹ; trái cây và rau quả bị nhiễm phân, và các loài có vỏ từ biển chứa các độc tố sinh học.
Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn là nhóm bệnh gây ra do các loài vi khuẩn hoặc độc tố của chúng, xâm nhập, lây truyền và gây ra bệnh lý chủ yếu tại đường tiêu hóa. Nhóm bệnh này có những tên gọi khác như "nhiễm khuẩn-nhiễm độc thức ăn" hay "nhiễm trùng-nhiễm độc do ăn uống".
Nhóm bệnh rất dễ gặp
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán ăn uống, thường xuất hiện dưới dạng bệnh riêng lẻ, hoặc vụ dịch nhỏ. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao, là mối nguy cho sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn nguy cơ cao liên quan tới điều kiện ăn uống, sử dụng nước sinh hoạt, vệ sinh chất thải của người và động vật chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ truyền bệnh.
Các bệnh lý thường gặp do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn như: bệnh tả, bệnh viêm ruột-dạ dày, bệnh viêm cấp đại tràng do vi khuẩn và độc tố ruột, bệnh viêm dạ dày cấp và nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố tụ cầu vàng, bệnh nhiễm độc tố độc thịt gây viêm dạ dày, ruột và nhiễm độc cơ quan thần kinh và toàn thân, bệnh tiêu chảy…
Dự phòng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
Theo chia sẻ của chuyên gia Cục ATTP, để có thói quen tốt về ATTP, ngay từ nhỏ, từ lứa tuổi thanh thiếu niên đã cần được quan tâm phòng ngừa các bệnh do thực phẩm không an toàn và tạo cho các các thói quen tốt về ATTP.
Trong nhà trường các em cần được cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hành ATTP. Trong đó, ưu tiên giáo dục chuyển đổi hành vi ở nhóm người có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, ví dụ như các trẻ ở những nơi có tập quán ăn thực phẩm tái, sống.
Đáng lưu ý, các em cần có được thói quen vệ sinh cá nhân đặc biệt là vệ sinh bàn tay, như: rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Qua các món đồ chơi, giờ chơi thực hành ở nhóm trẻ mẫu giáo, qua các giờ sinh hoạt ngoại khóa với các trẻ ở tiểu học, THCS, các thầy cô có thể giúp các trẻ ở nhóm tuổi khác nhau được được biết về "5 chìa khóa an toàn thực phẩm" của Tổ chức Y tế Thế giới( WHO) khuyến cáo. Vì đây là các kiến thức rất thiết thực trong đời sống như: giữ vệ sinh sạch sẽ; bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín; nấu kỹ thức ăn; sử dụng nước sạch…
Trong cộng đồng, các gia đình cần duy trì vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải tại nơi sinh sống cũng như lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn.