Một chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng đồ "si đa" có thể chứa nhiều mầm bệnh, mặc dù người tiêu dùng vẫn có thể bảo vệ bản thân bằng những biện pháp đơn giản.
Vị chuyên gia này thừa nhận mua sắm đồ si đa (quần áo đã qua sử dụng, hay đồ bành) không chỉ giúp người tiêu dùng tìm thấy những món đồ độc đáo với giá cả phải chăng mà còn thân thiện với môi trường và tiết kiệm cho ngân sách cá nhân.
Theo tiến sĩ Primrose Freestone, giảng viên cao cấp về Vi sinh lâm sàng tại Đại học Leicester (Anh) cho biết nhu cầu về quần áo cũ đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Nhiều người tiêu dùng coi đây là một cách tiết kiệm và bền vững để làm phong phú thêm tủ quần áo của mình. Tuy nhiên, trước khi mặc những món đồ cũ, việc khử trùng chúng (không chỉ đơn giản là giặt sạch sau khi mua về) được xem là yếu tố rất quan trọng.
Tiến sĩ Freestone nhấn mạnh rằng quần áo có thể là nơi chứa nhiều bệnh truyền nhiễm. Bà cho biết: “Da tự nhiên chứa hàng triệu vi khuẩn, có nghĩa là quần áo thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, nấm và virus khác nhau”. Theo vị tiến sĩ này, hệ vi sinh vật của mỗi người là khác nhau, vì vậy những gì vô hại với người này có thể gây hại cho người khác.
Bà giải thích thêm rằng quần áo cũ có thể mang theo mầm bệnh nếu không được khử trùng sạch trước khi bán. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vi khuẩn của hệ vi sinh vật trên da của chủ sở hữu ban đầu vẫn có thể tồn tại trên quần áo cũ. Kết quả là, bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà người trước đó mắc phải có thể vẫn còn trên quần áo.
Làm thế nào để an toàn với đồ "si đa"
Để giữ an toàn khi mua quần áo cũ, người tiêu dùng nên dùng máy giặt để giặt kỹ mọi món đồ ở nhiệt độ cao nhằm mục đích khử trùng. Tiến sĩ Freestone khuyến cáo: “Bạn nên giặt quần áo cũ mới mua bằng chất tẩy rửa ở nhiệt độ khoảng 60°C. Điều này không chỉ làm sạch bụi bẩn mà còn loại bỏ vi khuẩn và vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh. Nước lạnh sẽ không hiệu quả trong việc này”.
Trong trường hợp không thể giặt ở nhiệt độ cao, hãy sử dụng chất khử trùng quần áo để tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, vị tiến sĩ này cũng khuyên người tiêu dùng nên tách riêng quần áo cũ với quần áo đang sử dụng cho đến khi hoàn tất việc khử trùng đối với đồ cũ mới mua nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong trường hợp có bất kỳ tác nhân gây bệnh nào hiện diện.
Nguồn: vov.vn