Mang điện thoại vào nhà vệ sinh và ngồi lâu trên bồn cầu là thói quen phổ biến. Tuy nhiên, ngồi quá lâu sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và làm yếu cơ sàn chậu.
Theo bác sĩ Farah Monzur, Trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Stony Brook Medicine New York, thời gian lý tưởng nên dành trong nhà vệ sinh là từ 5 đến 10 phút. Ngồi lâu hơn có thể gây hại vì lực hấp dẫn không chỉ giữ chúng ta trên mặt đất mà còn khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để bơm máu trở lại tim. “Áp lực từ trọng lực làm cản trở tuần hoàn máu, khiến máu dễ vào nhưng khó trở lại tim. Hậu quả là các tĩnh mạch xung quanh hậu môn và trực tràng bị giãn nở, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ”, ông giải thích.
Các chuyên gia cũng cho biết, ngồi lâu trên bồn cầu, đặc biệt khi căng cơ để đi vệ sinh, có thể gây hại nghiêm trọng vì điều này gây áp lực lên cơ sàn chậu. Cơ sàn chậu, chịu trách nhiệm hỗ trợ hoạt động đi tiêu, bị căng thẳng và suy yếu do áp lực trọng lực khi ngồi lâu.
Để tránh ngồi lâu, các bác sĩ khuyên không nên mang điện thoại, sách báo vào nhà vệ sinh. Nếu gặp khó khăn trong việc đi vệ sinh, hãy thử duy trì chế độ ăn giàu chất xơ như yến mạch, đậu và uống đủ nước. Chất xơ và nước giúp làm mềm phân, dễ đi tiêu hơn.
Ngồi lâu trên bồn cầu hoặc khó khăn khi đi tiêu có thể là dấu hiệu của các vấn đề tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn (viêm ruột mãn tính) thậm chí là ung thư đại trực tràng. Bạn nên đi khám nếu tình trạng táo bón kéo dài, chảy máu, hoặc khó đi tiêu hơn 3 tuần. Ung thư đại trực tràng đang gia tăng ở người dưới 55 tuổi, với hơn 150.000 ca mới được dự báo trong năm nay.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...