Những bài học trên bục giảng, trong cuộc đời
Thay mặt nhà giáo được vinh danh phát biểu tại buổi lễ, cô Vũ Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái), cho biết ngay từ nhỏ cô đã ước mơ đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè người chọn ngành y dược, thương nghiệp, ngoại thương… cô Hạnh chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ khi trở thành cô giáo, cô luôn tâm niệm lời dạy giản dị của Bác Hồ: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh".
Vì vậy, mỗi giờ học, cô Hạnh đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải. Phát huy tối đa tính tích cực của học sinh (HS) để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học.
Còn thầy Hoàng Thanh Tùng, giáo viên (GV) Trường mẫu giáo Hoa Cúc Trắng (xã Ea Dăh, H.Krông Năng, Đắk Lắk), công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nên đã cùng đồng nghiệp đến từng hộ gia đình để vận động đưa con em đến trường. Kết quả là nhà trường đã huy động được 98% trẻ trong độ tuổi ra lớp. Riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%, duy trì sĩ số đạt tỷ lệ 100%. Tuy là nam GV hiếm hoi ở bậc học mầm non nhưng thầy Tùng lại luôn đạt danh hiệu GV dạy giỏi xuất sắc vì luôn quan tâm, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ; góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi xuống mức thấp nhất, không để xảy ra tình trạng trẻ tai nạn thương tích. Thầy còn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tích cực làm đồ dùng, đồ chơi, không ngừng đổi mới phương pháp lấy trẻ làm trung tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhà giáo Đào Thị Huế, Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị TP.Hải Phòng, thì có 14 năm công tác tại trường nuôi dạy trẻ khiếm thị, có nhiều đóng góp và là một trong những GV ở giai đoạn đầu tiên tham gia giảng dạy tại lớp dành cho HS khuyết tật trí tuệ trong trường chuyên biệt tại Hải Phòng. Trong quá trình công tác, cô Huế đã giúp rất nhiều HS khuyết tật tiến bộ, có kỹ năng sống tự lập, hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm cô Huế tham gia hướng dẫn các đoàn sinh viên thực tập về giáo dục đặc biệt đạt hiệu quả cao. Cô Huế còn tham gia nhóm can thiệp sớm cho trẻ khiếm thị, đến các gia đình có trẻ khiếm thị tại khắp quận, huyện của thành phố để can thiệp tại nhà cho trẻ và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ khiếm thị tại nhà. Cũng từ chương trình hỗ trợ này, nhiều trẻ khiếm thị được tới trường.
Cô Vũ Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường tiểu học TT.Thắng (H.Hiệp Hòa, Bắc Giang), được vinh danh vì là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển toàn diện của HS. Nhờ làm tốt công tác dân vận, cô đã góp phần thực hiện giải phóng mặt bằng hoàn thiện sân vận động cho HS với diện tích 4.000 m2; làm vườn trường cho HS trải nghiệm thực hành với diện tích 300 m2; lát lại nền phòng học, sơn mới tất cả phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú; làm bể bơi cố định với diện tích trên 200 m2 có mái che, với hệ thống phòng tắm tráng, phòng vệ sinh hiện đại.
Nhiều thầy cô được vinh danh tại buổi lễ không chỉ vì thành tích trong công tác chuyên môn mà còn được kính trọng trong các hoạt động vì cộng đồng. Cô Bùi Thị Thúy, Trường tiểu học Hải Ninh 2 (H.Bắc Bình, Bình Thuận) suốt 5 năm qua đã tham gia vận động hỗ trợ các gia đình hộ nghèo, tàn tật, neo đơn, chính sách hơn 639 triệu đồng; 2 căn nhà nhân ái trị giá hơn 250 triệu đồng; chủ động tham mưu cho Đoàn thanh niên các cấp tuyên truyền, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho hơn 105 thiếu nhi trên địa bàn huyện.
Tương tự, cô Lê Thị Nga, Trường tiểu học Tịnh Hà (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), không chỉ có sáng kiến cấp tỉnh về nâng cao chất lượng dạy học mà còn tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện trên địa bàn: nấu cơm phục vụ công dân khu cách ly tại trường (thời điểm dịch Covid-19); quyên góp ủng hộ nồi cháo từ thiện cho trẻ em, người già neo đơn tại nơi cư trú, kêu gọi nhà hảo tâm làm mẹ đỡ đầu cho 2 cháu mồ côi tại xã Tịnh Phong mỗi cháu được nhận 400.000 đồng/tháng đến khi đủ 18 tuổi; phối hợp cùng với liên đội trường kêu gọi ủng hộ 1 HS mồ côi của trường với số tiền 55 triệu đồng…
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, GV Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.Tân Phú (TP.HCM), chia sẻ được Bộ GD-ĐT vinh danh là GV tiêu biểu, với cô không chỉ là niềm vui cá nhân, mà còn khơi dậy trong cô niềm tự hào sâu sắc về truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc; giúp cô hiểu rằng, vai trò của người thầy không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy mà còn là sứ mệnh truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị nhân văn và góp phần xây dựng tương lai đất nước.
Mong các thầy cô "vượt qua giới hạn của bản thân"
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ghi nhận, đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các thầy cô cho ngành giáo dục, sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước, đồng thời khẳng định: "Bộ GD-ĐT quyết tâm xây dựng luật Nhà giáo để lực lượng nhà giáo đón nhận luật với tâm thế "thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh" theo như lời Tổng Bí thư đã nói".
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT: "Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó. Để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc đến các nhiệm vụ lớn mà ngành GD-ĐT phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, đồng thời nêu thực tế ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo luôn nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. "Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn, toàn ngành giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo", ông nhấn mạnh.
Nhắc lại câu nói của người xưa: "Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng", người đứng đầu ngành giáo dục bày tỏ mong muốn các thầy cô tiếp tục "vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình".
Năm nay, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo. Bộ GD-ĐT xét chọn 251 nhà giáo tiêu biểu. Các nhà giáo được lựa chọn đều có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc trong nuôi dạy, giảng dạy, giáo dục, quản lý, tâm huyết, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp huyện, tỉnh.