Bộ GD-ĐT cho biết, việc tổ chức xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú được triển khai thực hiện theo các cấp hội đồng. Theo đó, các nhà giáo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về tài năng sư phạm, có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, có uy tín về chuyên môn, có ảnh hưởng trong ngành và lĩnh vực được lựa chọn để trình cấp có thẩm quyền xét, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.
Đến hội đồng cấp nhà nước, Bộ GD-ĐT là cơ quan thường trực hội đồng xét tặng năm 2023 đã nhận được 1.225 hồ sơ, trong đó có 24 hồ sơ đề nghị nhà giáo nhân dân và 1.201 hồ sơ đề nghị nhà giáo ưu tú, trong đó, có 33 nhà giáo người dân tộc thiểu số. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, hội đồng cấp nhà nước đã họp, bỏ phiếu, trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước.
251 nhà giáo tiêu biểu
Ngoài danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ năm 2017 đến năm 2023, qua 7 lần xét chọn nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định trao tặng bằng khen cho 1.600 nhà giáo.
Đến năm 2024, Bộ GD-ĐT đã nhận được 252 hồ sơ xét chọn nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Hội đồng đã xét chọn 251 nhà giáo tiêu biểu. Các nhà giáo được lựa chọn đều có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc trong nuôi dạy, giảng dạy, giáo dục, quản lý, tâm huyết, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp huyện, cấp tỉnh.
Đồng thời, nhà giáo còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng hoặc hỗ trợ nuôi dạy, giảng dạy người học có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong học tập, xây dựng trường, lớp, vận động được người học có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đến trường và duy trì sĩ số học sinh, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa tại địa phương hoặc trong toàn ngành.
Đến năm 2024, sau 8 lần xét chọn nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định tặng bằng khen cho 1.851 nhà giáo.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá: "Lực lượng nhà giáo của chúng ta đông đảo về số lượng, và nhìn tổng thể luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất của nhà giáo, luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, hết lòng vì học sinh thân yêu. Còn nhiều nhà giáo chưa được vinh danh ngày hôm nay, nhưng các nhà giáo đã và đang âm thầm, miệt mài để truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, bồi dưỡng nhân cách, gieo mầm tương lai cho các thế hệ học sinh".