Cơ hội học tập ở các trường ĐH hàng đầu Hàn Quốc

09:13 - 19/11/2024

Các ĐH ở Hàn Quốc nới lỏng việc hạn chế xét tuyển người Việt học các khóa tiếng Hàn, đồng thời tăng cường xét tuyển chương trình cấp bằng để khuyến khích thêm du học sinh Việt.

Cơ hội học tập ở các trường ĐH hàng đầu Hàn Quốc

Đại diện ĐH Quốc gia Kangwon tư vấn cho học sinh

ẢNH: TUẤN HỒ

Ưu tiên người học chất lượng

Ở Hàn Quốc, ĐH quốc gia là trường được thành lập và điều hành bởi chính phủ. Tuy nhiên, một số trường vào đầu năm 2024 tiến hành dừng hoặc giới hạn số lượng du học sinh Việt đối với các khóa tiếng Hàn. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên tại hội thảo du học Hàn Quốc diễn ra hôm 17.11, các trường cho biết dù còn áp dụng hạn chế nhưng có những điều chỉnh để chào đón thêm người Việt đến học tập.

Là một trong số những trường còn duy trì hạn chế, bà Haeyung Kahng, điều phối viên bộ phận đối ngoại quốc tế và giáo dục tại ĐH Quốc gia Sunchon (TP.Sunchon) cho biết trường nỗ lực nới lỏng việc hạn chế du học sinh Việt nhập học khóa tiếng Hàn vì “nhận thấy số lượng người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có xu hướng giảm”.

Còn tại ĐH Quốc gia Kangwon (TP.Chuncheon), mặc dù trường tạm ngưng nhận đơn xin học khóa tiếng Hàn từ sinh viên của 19 quốc gia, trong đó có Việt Nam nhưng trường vẫn xem xét nhận du học sinh Việt trong trường hợp ứng viên thuộc các đơn vị đối tác của ĐH Quốc gia Kangwon, hoặc ứng viên là người thân của sinh viên trường hay cư dân của TP.Chuncheon.

Trong khi đó, đối với chương trình cấp bằng cử nhân, cả hai trường đều tuyển sinh không giới hạn chỉ tiêu. Bà Kahng cho biết: “Trường không giới hạn số lượng tuyển sinh. Với Việt Nam, chúng tôi mong muốn tuyển sinh thêm nhiều sinh viên vì hiện chỉ có khoảng 30 người Việt đang học tập tại trường. Trường ở gần khu có nhiều người Việt sinh sống nên sinh viên có thể an tâm học tập và hòa nhập cuộc sống ở đây”.

Cơ hội học tập ở các trường ĐH hàng đầu Hàn Quốc

Bà Haeyung Kahng (giữa) mong muốn tuyển sinh thêm nhiều du học sinh Việt

ẢNH: TUẤN HỒ

Cũng áp dụng quy định hạn chế số lượng người Việt nhưng “không quá gay gắt”, ĐH Quốc gia Gyeongsang (TP.Jinju) mong muốn tập trung vào chất lượng sinh viên. Bà Kim So-hee, cán bộ bộ phận hợp tác quốc tế đối ngoại, cho hay: “Mục đích của việc hạn chế là nhằm chọn lọc những ứng viên chất lượng, cũng như ngăn chặn sinh viên bỏ học tại trường. Vì vậy, trong quá trình tuyển sinh, chúng tôi tập trung vào điểm trung bình (từ 7 trở lên), hoàn cảnh tài chính của gia đình ứng viên và chứng chỉ TOPIK”.

Một lý do khác mà các trường đưa ra là do không còn đủ phòng học cho học viên khóa tiếng Hàn. Ông Dokyun Kim, điều phối viên bộ phận quan hệ quốc tế, ĐH Quốc gia Kyungpook (TP.Daegu), chia sẻ: “Hiện tại, mỗi học kỳ chúng tôi chỉ duy trì 60 học sinh trong khóa tiếng Hàn. Chúng tôi đang xây dựng thêm các phòng học mới, dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm 2025, cũng như thuê thêm giảng viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo”.

Cơ hội học tập ở các trường ĐH hàng đầu Hàn Quốc

Ông Dokyun Kim cho biết hàng năm có khoảng 100 sinh viên người Việt học tập hệ chuyên ngành tại ĐH Quốc gia Kyungpook

ẢNH: TUẤN HỒ

Giảng dạy bằng tiếng Anh ngày càng được chú trọng

Bên cạnh các ĐH quốc gia của Hàn Quốc, hội thảo năm nay còn có sự tham gia của những cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu Hàn Quốc như Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KAIST) xếp hạng 53 thế giới, ĐH Hàn Quốc (KU) hạng 67, ĐH Khoa học và công nghệ Pohang (POSTECH) hạng 98… theo bảng xếp hạng QS 2025.

Những trường này có cùng quy trình xét tuyển như nhau, gồm đánh giá đơn trực tuyến và phỏng vấn. Bên cạnh đó, những cơ sở giáo dục này còn đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh thay vì chỉ đào tạo một phần bằng tiếng Anh hay hoàn toàn bằng tiếng Hàn như các ĐH Hàn Quốc khác.

Lý giải vấn đề này, ông Sumin Hwang, cán bộ tuyển sinh tại POSTECH, cho biết: “Với trọng tâm về nghiên cứu, trường quy tụ nhiều giáo sư từ các quốc gia khác nhau. Vì vậy, tiếng Anh được dùng trong giảng dạy tại trường. Trong hồ sơ ứng tuyển, chúng tôi yêu cầu ứng viên nộp chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên, không yêu cầu chứng chỉ TOPIK”.

Cơ hội học tập ở các trường ĐH hàng đầu Hàn Quốc

Ông Sumin Hwang trao đổi với người tham dự hội thảo

ẢNH: TUẤN HỒ

Theo ông Hwang, chương trình đào tạo bậc cử nhân cho sinh viên quốc tế có điểm mới. “Bắt đầu từ năm 2026, du học sinh có cơ hội khám phá các môn học thuộc 11 chuyên ngành trong năm nhất, theo chương trình Undecided Major Curriculum (tạm dịch: chương trình không xác định chuyên ngành). Điều này giúp việc đào tạo sinh viên linh hoạt hơn, cho họ cơ hội định hướng phù hợp với năng lực bản thân”, ông Hwang nói.

Chương trình Undecided Major Curriculum của POSTECH tương tự chương trình Global Open Major Division của KU. Theo đó, sinh viên có thể học bằng tiếng Anh và được đăng ký học các lớp từ những chuyên ngành khác nhau trong năm nhất, sau đó mới chọn chuyên ngành chính thức vào năm hai.

Ngoài ra, một số trường ĐH ở Hàn Quốc triển khai các phân khoa giảng dạy bằng tiếng Anh. ĐH Quốc gia Kangwon có phân khoa Hội tụ toàn cầu giảng dạy bằng cả tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung các ngành như truyền thông, kinh doanh, nội dung nghệ thuật biểu diễn. Còn tại KU, sinh viên chuyên ngành nghiên cứu quốc tế thuộc phân khoa Nghiên cứu quốc tế được học bằng tiếng Anh.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV