Khoa học tự nhiên là môn học mới được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là môn học được đánh giá là khó dạy nhất. Với giáo viên (GV) ở H.Ba Vì, nơi khó khăn nhất của Hà Nội, thì điều này càng khó khăn hơn.
Thế nhưng, thay vì ngồi than khó, nhiều trường học ở Hà Nội đã tìm ra cách làm. Ví dụ, GV giỏi nhất của tổ tự nhiên, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình) được cử để dạy một tiết khoa học tự nhiên dưới sự tham dự của nhiều GV đang dạy học môn học này ở H.Ba Vì. Sau tiết dạy, các GV của 2 đơn vị cùng thảo luận, chia sẻ về cách thức, phương pháp nâng cao chất lượng bài dạy.
Việc dự giờ, trao đổi chuyên môn được xem là cách làm nhằm tháo gỡ khó khăn cho GV các nhà trường trong việc giảng dạy, nhất là với các môn học mới, đồng thời cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Cô Nguyễn Nguyệt Nga, GV ngữ văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), một trong những giáo viên cốt cán của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhiều lần được đưa về dạy mẫu ở Trường THPT Tự Lập (H.Mê Linh), Trường THPT Trung Giã (H.Sóc Sơn) như một cách để bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đồng nghiệp ở trường bạn. Cô Nga chia sẻ, dạy ở Trường THPT Việt Đức, một trong những trường có điểm đầu vào lớp 10 tốp đầu Hà Nội, nên có sự khác biệt so với các em ở trường ngoại thành, điểm tuyển sinh đầu vào khá cách biệt. Do vậy, không thể áp dụng cùng một phương pháp mà phải có sự linh hoạt thay đổi phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện về trang thiết bị dạy học…
Sau mỗi giờ dạy, giáo viên hai trường ngồi lại để trao đổi, chia sẻ phương pháp cũng như tài liệu. Chương trình hỗ trợ kéo dài nên ngay khi sắp xếp được, giáo viên các trường ngoại thành lại đến trường tốp đầu tiếp tục dự giờ, tham gia các buổi chuyên đề.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho biết sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội phát động cùng chung tay nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã cử 32 GV đến 2 trường để chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm. Đây là một chương trình hay, nhân văn đòi hỏi GV phải cố gắng, cũng là cơ hội để thể hiện mình với các đối tượng học sinh khác nhau. Khi đưa nhân lực về các trường, các thầy cô cũng cần phải thiết kế lại bài giảng phù hợp học sinh, từ tốc độ dạy, cách truyền đạt. Trên hết và sau đó, GV các trường có thể hỗ trợ lẫn nhau lâu dài để cùng thúc đẩy chất lượng.
Trường THPT Chu Văn An thì không chỉ tổ chức dạy tiết học mẫu và mời GV trường bạn đến dự giờ mà cử GV dạy giỏi về Trường THPT Đan Phượng (H.Đan Phượng). Giờ học được GV chuẩn bị công phu, kết nối trực tuyến tới hơn 200 điểm cầu của các trường học ở Hà Nội để cùng nhau học tập.
Nhiều sẻ chia ngoài bục giảng
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT H.Ba Vì, xúc động cho biết đến nay có 45 trường mầm non, tiểu học, THCS Q.Ba Đình triển khai hoạt động nhà trường cùng chung tay phát triển với 45 trường thuộc H.Ba Vì. Nhờ vậy kết quả đánh giá thường xuyên cũng như kết quả của các kỳ thi quan trọng đã được cải thiện rõ rệt. Ba Đình là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục của Hà Nội nên thầy trò của H.Ba Vì được hỗ trợ của các nhà giáo giỏi nhất của Hà Nội. Các thầy cô trường bạn tận tâm, trách nhiệm như đang dạy học chính ở trường học của mình, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hay trong quá trình triển khai dạy học ở các trường.
Theo ông Oanh, không chỉ hỗ trợ về chuyên môn, trường học ở H.Ba Vì còn nhận được rất nhiều trang thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu, ti vi, sách vở do trường học của Q.Ba Đình hỗ trợ. Ví dụ năm 2023, Ba Vì có 1.347 học sinh được thầy cô hỗ trợ về học tập. Thầy cô thường xuyên dạy học miễn phí, có 239 học sinh được thầy cô trong trường giúp đỡ với số tiền hơn 73 triệu đồng…
Tương tự, Phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Phòng GD-ĐT H.Ứng Hòa phối hợp triển khai chương trình "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm" giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, Trường tiểu học Vĩnh Hưng (Q.Hoàng Mai) nhận hỗ trợ Trường tiểu học Hòa Lâm (H.Ứng Hòa). Các em học sinh trường tiểu học Hòa Lâm đa phần có xuất thân từ các gia đình làm nông nghiệp hoặc khá hơn là có bố mẹ làm công nhân. Chính vì vậy, sự quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư cho việc học của các em cũng hạn chế và ít nhiều bị ảnh hưởng nhất định.
Thấu hiểu với hoàn cảnh đó, mỗi thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học Vĩnh Hưng đã luôn dành sự quan tâm, sẻ chia trách nhiệm với sự phát triển chung của hai nhà trường. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường tiểu học Hòa Lâm nhận được những suất học bổng giá trị từ thầy trò Trường tiểu học Vĩnh Hưng.
Cô Bùi Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hưng, chia sẻ về hoàn cảnh của các em ở Trường tiểu học Hòa Lâm: có em mới mất bố, mẹ mắc bệnh ung thư; có em thì bố mẹ đã ly hôn, em ở với ông bà đã có tuổi, bà bị khuyết tật chân; có em thì mẹ đã bỏ đi ngay sau khi bố mất, em ở với ông bà nội, ông bị mắc chứng thần kinh; có em mắc bệnh suy tuyến yên bẩm sinh mà gia đình lại đông con, không có điều kiện chạy chữa… Và còn nhiều nữa những "chiếc lá rách" cần được vá lành, cần được đùm bọc và chở che.
"Hiểu hoàn cảnh của các em, thầy cô của chúng tôi càng thấy mình cần làm tốt hơn nữa để san sẻ và từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa hai nhà trường…", cô Hằng nói.
Nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trong điều kiện số lượng GV chưa đáp ứng nhu cầu như hiện nay, ngành GD-ĐT Hà Nội đã tiên phong thực hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao trình độ giáo viên, như mô hình "ngân hàng giáo viên" hay phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm".
Các hoạt động này nhằm đưa thầy cô từ trường tốt đến trường chưa tốt, từ vùng nội thành đến ngoại thành để chia sẻ, trao truyền kinh nghiệm, từ đó kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các khu vực.
Theo ông Cương, dù mới triển khai từ tháng 12.2022, song ý nghĩa của phong trào đã nhanh chóng được lan tỏa. Nhiều trường học ở nơi thuận lợi đã chủ động đến với các trường vùng khó khăn để cùng nhân rộng những bài giảng hay, những phương pháp dạy hiệu quả... Có những thầy cô nhắn tin với Giám đốc Sở GD-ĐT, xúc động vì lần đầu tiên được trải nghiệm dạy học ở những nơi điều kiện khó khăn. Điều đó giúp thầy cô thêm thấu hiểu, chia sẻ, thêm kinh nghiệm và nỗ lực hơn trong nghề.
"Chúng tôi rất trân trọng tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia của các nhà trường, các thầy cô khi tình nguyện tham gia cuộc vận động này", ông Cương nói.
Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, Giám đốc Trần Thế Cương nhìn nhận, việc triển khai phong trào là giải pháp mới của ngành giáo dục Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, trường học. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng các giải pháp đã phát huy hiệu quả.