Theo quyết định nói trên, sau khi chuyển trường đại học thành đại học, ĐH Kinh tế quốc dân vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường ĐH Kinh tế quốc dân theo quy định của luật Giáo dục đại học và quy định pháp luật liên quan; quá trình tổ chức lại phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, hoạt động bình thường, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.
Cho đến khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quyết định thành lập hội đồng đại học, công nhận chủ tịch hội đồng đại học và công nhận Giám đốc ĐH Kinh tế quốc dân theo quy định của pháp luật.
Được biết, ĐH Kinh tế quốc dân hiện có khoảng 25.000 sinh viên chính quy, hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Số ngành đào tạo bậc đại học là 60, 28 ngành đào tạo tiến sĩ. ĐH Kinh tế quốc dân có 3 trường trực thuộc: Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ (đều mới được thành lập đầu năm 2024). Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, ĐH Kinh tế quốc dân đặt mục tiêu thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu Việt Nam.
Trường đại học khác gì đại học?
Như vậy, tính đến nay Việt Nam có 9 đại học gồm: 2 ĐH quốc gia (ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM); 3 ĐH vùng (ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên); ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế quốc dân. Trong đó ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế quốc dân là những cơ sở đào tạo được chuyển từ trường đại học thành đại học theo luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.
Theo luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, trường đại học, học viện (được gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật Giáo dục đại học.
Còn đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật Giáo dục đại học. Các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP (khoản 1 điều 4), điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học được quy định như sau:
Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại luật Giáo dục đại học; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.