Thông tin được chia sẻ trong hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh (TESOL) lần thứ 15 với chủ đề “Những xu hướng mới trong giảng dạy tiếng Anh” hôm 14.11 do Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam phối hợp với ĐH Curtin (Úc) tổ chức.
Chia nhóm để cải thiện tiếng Anh
Nhóm tác giả Tricia Barcelo Dealagdon và Raffy S.Taghap từ trường THCS thuộc ĐH Ateneo de Zamboanga (Philippines) đề cập chiến lược chia nhóm trong học tập hợp tác như một phương pháp cải thiện tiếng Anh và các kỹ năng khoa học. Bà Dealagdon cho biết: “Học tập hợp tác được tiến hành thông qua việc chia nhóm các người học để mỗi nhóm thực hiện nhiệm vụ hoặc học cùng nhau. Để chia nhóm, cần dựa vào khối lượng công việc hoặc lĩnh vực học tập. Giáo viên phải xác định các nhóm người học dựa trên kết quả học tập của học kỳ hoặc năm học trước để làm cơ sở phân chia họ vào các nhóm”.
Nghiên cứu của nhóm tác giả chỉ ra 3 cách chia, gồm study-buddy (nhóm 2 người), triad (nhóm 3 người), group (nhóm từ 4 người trở lên). Kết quả nghiên cứu cho thấy, trình độ tiếng Anh cũng như các kỹ năng khoa học được cải thiện sau khi tiến hành chia người học theo cả 3 cách.
“Chìa khóa cải thiện trình độ ngôn ngữ thứ 2 là luyện tập. Dù chia nhóm theo bất kỳ cách nào, học sinh đều có thể tiếp thu ngôn ngữ thông qua giao tiếp với bạn cùng nhóm”, ông Taghap chia sẻ.
Báo cáo về chủ đề “Nâng cao sự thành thạo tiếng Anh qua việc tích hợp tiếng Anh vào giảng dạy nội dung chuyên ngành: Một nghiên cứu trong bối cảnh ĐH của Đài Loan”, thạc sĩ Hoàng Lê Quốc Đạt, giảng viên khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết việc dùng tiếng Anh vào giảng dạy nội dung chuyên ngành giúp cải thiện trình độ ngoại ngữ của người học.
Thạc sĩ Đạt cho hay: “Sinh viên thường có thói quen khi gặp thuật ngữ tiếng Anh thì cố gắng dịch sang tiếng mẹ đẻ. Nếu được tiếp xúc thường xuyên với nội dung bằng tiếng Anh thì các bạn sẽ quen hơn, ‘thấm’ hơn so với việc học không có nội dung, bối cảnh. Qua đó, các bạn cũng có thể thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng tiếng Anh trong công việc”.
Cũng theo thạc sĩ Đạt, trong khóa học tích hợp tiếng Anh vào nội dung chuyên ngành, sự hợp tác giữa giảng viên có chuyên môn về ngôn ngữ và chuyên ngành đào tạo mang đến lợi ích cho người học. “Những sinh viên được khảo sát cho biết họ hiểu được những chủ đề phức tạp nhờ vào sự hợp tác này, khi nội dung và ngôn ngữ của chương trình được liên kết với nhau. Sinh viên cũng có thêm cơ hội thực hành ngoại ngữ thông qua các hoạt động tương tác, thảo luận nhóm và góp ý đồng trang lứa”, giảng viên này thông tin.
“Nâng cao hoạt động giảng dạy tiếng Anh là ưu tiên quốc gia”
Cũng tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD-ĐT, nhận định nâng cao hoạt động giảng dạy tiếng Anh là ưu tiên quốc gia. “Việc thuần thục tiếng Anh đem lại những cơ hội quý giá cho học sinh, cho phép họ tham gia vào các cuộc đối thoại toàn cầu, giao lưu với các nền văn hóa đa dạng và đóng góp vào hợp tác quốc tế. Tại Việt Nam, chúng tôi nhận ra rằng nâng cao hoạt động giảng dạy tiếng Anh không chỉ đơn thuần là mục tiêu giáo dục mà nó còn là ưu tiên quốc gia, gắn với tầm nhìn cho sự phát triển và hội nhập vào cộng đồng toàn cầu”, bà Mai Hữu cho hay.
Theo bà Mai Hữu, trong khi tích hợp các công cụ kỹ thuật số vào lớp học, chúng ta cần cân nhắc tác động của công cụ đối với việc giảng dạy. “Ứng dụng học ngôn ngữ, nền tảng trực tuyến và hệ thống dạy kèm thông minh mở ra cơ hội học tập cá nhân hóa. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp cận những công nghệ này với tư duy phản biện, rằng làm thế nào chúng ta có thể tích hợp chúng vào việc giảng dạy một cách hiệu quả trong khi đảm bảo chúng bổ sung chứ không thay thế những tương tác diễn ra trong bối cảnh giáo dục truyền thống”, bà Mai Hữu chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Mai Hữu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những thảo luận về đổi mới phương pháp dạy học. “Với lớp học đa dạng bao gồm những người với hoàn cảnh và phong cách học tập khác nhau, chúng ta cần sử dụng đa dạng chiến lược để đảm bảo tất cả học sinh đều có thể phát triển. Những phương pháp như học tập hợp tác (collaborative learning), học tập dựa trên dự án (project-based tasks) hay cách tiếp cận dựa trên nghiên cứu (inquiry-based approaches) có tiềm năng gắn kết học sinh, theo cách cho phép họ làm chủ việc học của mình”, bà Mai Hữu thông tin.
Đâu là mục tiêu của giảng dạy ngôn ngữ thứ hai?
GS-TS Shawn Loewen, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu sinh khoa Ngôn ngữ học, ngôn ngữ, văn hóa và nghiên cứu ngôn ngữ thứ hai, ĐH Tiểu bang Michigan (Mỹ), đặt vấn đề về giảng dạy ngôn ngữ thứ hai. “Trong giảng dạy ngôn ngữ thứ hai, câu hỏi không phải là việc giảng dạy có hiệu quả hay không mà phải là điều gì làm cho việc giảng dạy hiệu quả hơn hay kém hiệu quả và chúng ta có thể làm gì để cải thiện phương pháp giảng dạy. Tôi cho rằng mục tiêu chúng ta hướng tới là tạo ra khả năng giao tiếp ngôn ngữ thứ hai một cách tự nhiên cho người học”, giáo sư Loewen cho biết.
Để đạt được mục tiêu này, GS Loewen đề xuất phương pháp nghiên cứu dựa vào hoạt động thực tiễn, trong đó có sự phối hợp giữa giáo viên và nhà nghiên cứu. “Các nhà nghiên cứu có thể không biết những gì liên quan đến giáo viên. Thông qua đối thoại, nhà nghiên cứu có thể biết được mối quan tâm và những trăn trở của giáo viên”, GS Loewen thông tin.