Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn cảm ơn ETS đã hỗ trợ tập huấn cho khoảng 3.500 cán bộ, giáo viên của Việt Nam về nâng cao năng lực khảo thí vào tháng 11.2023. Đợt tập huấn này có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao nhận thức và năng lực của những người tham gia công tác khảo thí, đặc biệt là vào năm 2025 Việt Nam có một số điều chỉnh cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bộ trưởng Kim Sơn cũng đã thông tin tới ông Amit Sevak về chủ trương mới của Việt Nam là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Để thực hiện được nhiệm vụ này thì nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh là hết sức quan trọng. Từ đó, ông Kim Sơn đề nghị ETS hỗ trợ để Bộ GD-ĐT thực hiện được nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; hai bên có thể xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ này vào bản ghi nhớ hợp tác đã ký năm 2022.
Ông Amit Sevak đánh giá cao chủ trương và quyết tâm của Việt Nam về việc từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, qua đó thúc đẩy hội nhập quốc tế, ông Amit Sevak cho biết: ETS đã có hợp tác với hơn 20 Chính phủ các nước và có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, khảo thí tiếng Anh, vì vậy ETS sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.
Cụ thể, ETS sẽ cử các chuyên gia sang Việt Nam theo đề nghị của Bộ GD-ĐT để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động khảo thí và nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã mời ông Amit Sevak sang thăm và làm việc tại Việt Nam để hai bên có thể ký kết bản ghi nhớ sửa đổi, bổ sung vào đầu năm 2025.
Năm 2022, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Viện Khảo thí giáo dục Mỹ đã ký Bản ghi nhớ về chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh và năng lực công tác khảo thí cho hệ thống giáo dục Việt Nam.
Trong quyết định ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng nêu yêu cầu: "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".
Chia sẻ trên Báo Thanh Niên xung quanh chủ trương này, nhiều ý kiến cũng cho rằng một trường học sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là ở đó, tiếng Anh được sử dụng không chỉ trong quá trình dạy học mà còn trong mọi hoạt động của nhà trường, tạo môi trường khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh và được tiếp xúc với nhiều tình huống có thể sử dụng tiếng Anh...
Ngoài ra, để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, Việt Nam cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau chứ không chỉ bó gọn trong mỗi trường học. Một trong số đó là cần có sự quan tâm và ủng hộ từ xã hội, phải làm cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc dùng tiếng Anh. Đồng thời, cần lưu ý đến khác biệt về trình độ, môi trường học tập giữa các vùng miền.