Dự án tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy (H.Thanh Chương) được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Việt Nam Nam Đàn Vạn An đầu tư vào năm 2013.
Tổng mức đầu tư cho dự án này là 217 tỉ đồng, diện tích hơn 33,7 ha, công suất chế biến của nhà máy khoảng 250.000 tấn nguyên liệu lá (sả)/năm. Theo thuyết trình của chủ dự án, toàn bộ nguyên liệu đầu vào của nhà máy sẽ do người dân tự trồng và bán lại cho nhà máy. Nhà đầu tư cũng đã cam kết thu mua sản phẩm và mang lại thu nhập cho người dân cao hơn 2 - 3 lần so với trồng hoa màu.
Dự án này khiến người dân và chính quyền địa phương phấn khởi khi đặt kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân. Sau khi dự án được phê duyệt, gần 20 hộ dân được di chuyển ra khỏi khu vực này và được bố trí tái định cư. Chủ đầu tư cam kết sẽ khởi công dự án trong năm 2014 và hoàn thành đi vào hoạt động vào năm 2015.
Tuy nhiên, đến tháng 6.2015, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống và chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An giãn tiến độ thực hiện đến tháng 6.2017 và được chấp thuận. Đến nay, khu đất giáp với tuyến QL46 này vẫn được quây tôn, nhưng ngoài khu nhà điều hành dự án chỉ còn trơ lại khung sắt vẫn là bãi đất hoang.
Một người dân sống gần dự án này cho hay khi thực hiện thu hồi đất, người dân rất kỳ vọng vào dự án vì tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cao hơn trồng sắn, trồng chè nên người dân háo hức bàn giao đất. Năm 2014, chủ dự án cho tuyển người trồng sả và hàng trăm người dân đã nộp hồ sơ xin việc. Nhưng, đến nay mọi sự kỳ vọng đã thành mây khói.
Bà Nguyễn Thị Vân (ngụ xóm Thủy Chung, xã Thanh Thủy) cho biết trước khi thu hồi đất, chủ dự án hứa hẹn với những gia đình có nhà phải di dời sẽ hỗ trợ đến cuối đời cho những người trên 50 tuổi không có cơ hội làm việc tại dự án từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mẹ chồng và mẹ ruột bà Vân đều đã trên 75 tuổi chỉ được hỗ trợ chừng khoảng 1 năm thì dừng lại. Gia đình bà Vân có 4 sào đất trồng chè và sắn, đều đã giao cho dự án. "Khi đó, chúng tôi nghĩ sau khi giao đất cho họ, nếu không được làm công nhân thì họ cũng sẽ bố trí vào làm bảo vệ. Giờ thì việc không có, đất cũng chẳng còn", bà Vân nói.
Ông Hà Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, cho hay thấy dự án không triển khai thực hiện, đất bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất, bản thân ông đã đứng ra kiến nghị với chủ đầu tư cho phép người dân trồng những loại cây có thời vụ ngắn ngày tại khu đất trống và cam kết khi nào dự án cần thì dân sẽ trả mặt bằng, nhưng không được chấp nhận.
Đổi tên vẫn "đắp chiếu"
Sau nhiều năm "treo" dự án, ngày 7.6.2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao này thành dự án tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu chất lượng cao theo đề nghị của chủ đầu tư.
Tại quyết định điều chỉnh quy hoạch của dự án này do UBND tỉnh Nghệ An ban hành, lý do của việc điều chỉnh là do chủ đầu tư "nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân tại địa bàn xã Thanh Thủy không phù hợp với việc trồng và chế biến tinh dầu, dược liệu".
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, dự án trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu này gồm các hạng mục: nhà máy chế biến, khu văn phòng, nhà kho, vườn ươm giống, đất trồng chè, sân đường nội bộ. Công suất của dự án 4.000 tấn chè sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư của dự án hơn 170 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện của dự án được điều chỉnh hoàn thành trong quý 1 năm 2023.
Tại quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty TNHH Việt Nam Nam Đàn Vạn An phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án; tập trung nguồn lực để thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ; trường hợp không đúng tiến độ theo quy định, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về các chi phí đã bỏ ra... Những tưởng, sau khi đổi tên, dự án này sẽ được khai thông, thế nhưng, đến nay khu đất của dự án vẫn y như cũ, chưa có chuyển biến gì.
Bị treo quá lâu, gây bức xúc cho người dân, dự án này đã bị UBND H.Thanh Chương kiến nghị thu hồi. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Chương, cho biết dự án đã hết thời hạn được giao và đã được UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục cho gia hạn. Chính quyền địa phương rất mong dự án sớm thực hiện, nếu không cũng nên xem xét thu hồi để tránh lãng phí tài nguyên đất đai.