Trong số bệnh nhân ở tỉnh, có 1.607 ca nội trú (chiếm 61%) và 227 ca ngoại trú (chiếm 45%), đã có 1 ca tử vong.
Còn TP.HCM có 1.305 ca bệnh sởi, gồm 1.033 ca nội trú và 272 ca ngoại trú, trong đó có 3 ca tử vong.
Ca bệnh sởi từ các tỉnh đến TP.HCM tăng 43%
Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, số ca mắc bệnh sởi tại TP.HCM bắt đầu giảm. Trong khi đó, số ca bệnh sởi từ các tỉnh xung quanh đến khám và điều trị tại các bệnh viện của thành phố tiếp tục tăng mạnh trong 2 tuần qua.
Chỉ tính riêng tuần 43 (từ ngày 21 đến ngày 27.10), số ca bệnh sởi từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM là 255 ca, tăng 43% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 209 ca điều trị nội trú.
Trong tuần thứ 43, số ca mắc bệnh tại TP.HCM là 112 ca, giảm 6% so với trung bình 4 tuần trước.
"Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đã góp phần làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh trong độ tuổi này", Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Kiến nghị tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Tuy nhiên, hệ thống giám sát dịch bệnh của TP.HCM ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi, đặc biệt là nhóm từ 6 đến 9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin sởi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Theo thống kê từ các bệnh viện, từ đầu vụ dịch bệnh sởi đến nay, số ca bệnh sởi dưới 9 tháng tuổi là 315 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc. Trong đó, có 146 ca sởi cần hỗ trợ hô hấp.
"Như vậy nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi hiện đang là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao. Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm người lớn và trẻ lớn từ 11 tuổi trở lên", Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm.
Trước diễn biến gia tăng số ca mắc sởi mới trong nhóm dưới 9 tháng tuổi, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp tăng cường chống dịch. Mũi vắc xin này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Sở Y tế TP.HCM cũng vận động các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi và người thân trong gia đình cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ khi trẻ chưa đủ tuổi được tiêm chủng.