Chị Phạm Thị Loan (xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy) cho PV Thanh Niên hay đến sáng nay 30.10 chị vẫn chưa nhấc mình ra khỏi giường vì quá nhức mỏi. Bởi suốt đêm qua, cả gia đình chị tất bật dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa.
"Nước ra chừng nào thì phải dọn chừng đó. Chứ nếu chờ đến sáng hôm sau thì đất bùn đã khô, vón cục và dính chặt vào nền và tường nhà, dọn sao nổi? Khi ấy cũng không có nước sạch để xịt, dọn…", chị Loan chia sẻ.
Anh Phạm Ngọc Hảo (ở xã Lộc Thủy) nói rằng, với kinh nghiệm "sống chung với lũ", đêm qua hầu hết người dân địa phương không ngủ để chờ nước xuống và dọn dẹp nhà cửa.
"Tính từ chiều qua đến giờ, chắc nước cũng rút được cả mét rồi. Như nhà tôi nước đã ra hoàn toàn khỏi nhà. Nên thời điểm dọn dẹp của chúng tôi là nửa đêm về sáng. Giờ mới vừa xong, tôi chuẩn bị ngủ bù", anh Hảo nói.
Ông Võ Đình Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết ngày hôm nay (30.10) sẽ là cao điểm dọn dẹp nhà cửa của người dân vùng lũ. "Dù còn rất nhiều ngổn ngang nhưng bà con sẽ phải gắng gượng để trở lại với cuộc sống thôi. Chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng bà con, đặc biệt là ở các gia đình neo đơn, người già, các trụ sở, trường học", ông Tuấn nói.
Cũng từ chiều qua 29.10 đến sáng nay, chính quyền H.Lệ Thủy đã thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tại 2 khu vực là ngã tư Cam Liên, QL1 (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy). Những nhu yếu phẩm của các đoàn cứu trợ sau khi tiếp nhận sẽ vận chuyển bằng thuyền của ngư dân vùng biển, tiếp tế cho người dân.
Một số chuyến hàng cứu trợ do nhiều cá nhân, tổ chức vận động đã đến tay người dân vùng lũ Lệ Thủy vào chiều qua, dự kiến sáng nay sẽ có thêm nhiều nhu yếu phẩm nữa được phân phát hỗ trợ.
Tại H.Quảng Ninh, công tác vận chuyển hàng cứu trợ vào vùng ngập sâu cũng đã được triển khai. UBND H.Quảng Ninh phối hợp với các nhà hảo tâm trao vận chuyển nhiều mặt hàng như mì gói, nước sạch, đèn pin... vào cho bà con ở các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng lúc này các địa phương phải sẵn sàng phương án điều phối thông tin, tiếp nhận cứu trợ với mục tiêu đúng đối tượng, đúng địa chỉ, công khai, minh bạch. Đồng thời, triển khai công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình sau thiên tai; sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ người dân, các trường học, trạm y tế dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó.
Ngành chức năng cũng phải kịp thời triển khai công tác xử lý nước sinh hoạt vùng nông thôn, phòng, chống dịch bệnh; sớm khắc phục, sửa chữa bảo đảm hệ thống điện, thông tin liên lạc thông suốt, hướng dẫn người dân các kỹ năng sử dụng điện an toàn.