Sống bên miệng "tử thần"
Năm 2022, UBND H.Tu Mơ Rông triển khai dự án sắp xếp, bố trí lại dân cư tại thôn Ba Ham (xã Đăk Na) với 16 hộ dân. Vì quỹ đất hạn hẹp, địa hình đồi núi, thiếu mặt bằng nên dự án phải triển khai trên một mỏm đồi cao.
Tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn xã Đăk Na xảy ra mưa lớn. Tại con suối phía ta luy âm của khu tái định cư Ba Ham xuất hiện sạt lở. Phần kè bê tông dưới chân khu tái định cư bị nứt toác, xô lệch, có 6 hộ dân nằm trong vùng uy hiếp bởi sạt lở.
"Vị trí sạt lở nằm ngay phía sau nhà tôi nên gia đình rất lo lắng mỗi khi mưa lớn đến. Vào mùa mưa, chúng tôi cứ như sống bên miệng "tử thần", cứ sợ đang ngủ thì bị nuốt chửng xuống lòng đất. Tôi mong chính quyền địa phương sớm có những giải pháp khắc phục để người dân ổn định cuộc sống", anh A Đỡ (20 tuổi, ở khu tái định cư Ba Ham) nói.
Theo ông A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, điểm sạt lở ta luy âm tại khu dân cư Ba Ham có chiều dài 24 m, chiều cao khoảng 3 m. Mỗi khi mưa lớn, xã luôn cắt cử công an, dân quân túc trực, theo dõi và có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi xảy ra sự cố. Hiện điểm sạt lở này đã được UBND huyện đưa vào đánh giá thiệt hại bão lũ và sẽ có phương án khắc phục trong thời gian tới.
Trường học trên mỏm đồi có nguy cơ sạt lở
Không chỉ khu dân cư, tập thể giáo viên, học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS xã Đăk Na cũng đang bị uy hiếp bởi sạt lở. Ngôi trường nằm trên ngọn đồi cao khoảng 50 m. Năm 2009, sau cơn bão số 9, một nửa quả đồi bên cạnh ngôi trường đổ ụp xuống dòng suối phía sau lưng.
Hiện mỏm đồi bên cạnh trường đã xuất hiện một vết nứt kéo dài, tạo thành 2 bờ đất. Bờ đất dài khoảng 60 m với chiều rộng khoảng 5 m có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS xã Đăk Na, cho biết trường có 8 lớp với 243 học sinh. Trong đó, 99% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Trường có 17 giáo viên, trong đó 10 giáo viên ở nội trú tại trường.
Nhiều năm qua, thầy và trò luôn giảng dạy, học tập trong cảnh bất an khi xung quanh trường xuất hiện nhiều vết nứt, có nguy cơ sạt lở đất rất cao. Nỗi lo càng tăng cao khi mưa bão kéo dài trong nhiều ngày. Mỗi khi mưa lớn, nhà trường phải tạm đóng cửa hoặc sơ tán học sinh, giáo viên đến nơi an toàn.
"Mỗi khi có mưa lớn, nhà trường thường xin phép địa phương cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm có phương án quy hoạch, chuyển vị trí trường đến nơi an toàn hơn, để thầy cô và các em học sinh yên tâm học tập", ông Đức nói.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết chính quyền địa phương đã chỉ đạo UBND các xã làm rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại vị trí công trình bị hư hỏng, các điểm có nguy cơ sạt lở.
UBND H.Tu Mơ Rông cũng chỉ đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện phối hợp UBND các xã bị thiệt hại và các đơn vị liên quan đánh giá hiện trạng công trình, đề ra giải pháp khắc phục; huy động lực lượng tại chỗ để xử lý các điểm sạt lở vùi lấp đường giao thông. UBND các xã theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo cho nhân dân phòng tránh và thường xuyên rà soát, kiểm tra những làng, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, sạt lở đất để có phương án ứng phó kịp thời…