Hiện nay ở phía hạ lưu sông Ba có 3 nhà máy nước, do Công ty CP cấp thoát nước Phú Yên quản lý, khai thác nguồn nước mặt để phục vụ sinh hoạt của người dân.
Trong đó, Nhà máy nước Tuy Hòa có công suất thiết kế 28.000 m3/ngày đêm, hiện khai thác công suất 25.000 m3/ngày đêm, nước thô lấy tại công trình thu nước ở 2 xã Hòa An và Hòa Thắng (H.Phú Hòa). Nhà máy nước Phú Hòa công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm, nước thô lấy tại TT.Phú Hòa (H.Phú Hòa). Nhà máy nước Sơn Hòa công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm, nước thô lấy tại TT.Củng Sơn (H.Sơn Hòa).
Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó tổng giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Phú Yên, cho biết theo quy hoạch cấp nước tỉnh Phú Yên đã được phê duyệt (tính đến năm 2030), Nhà máy nước Tuy Hòa sẽ nâng công suất lên 55.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Phú Hòa nâng công suất lên 8.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước thô được khai thác từ sông Ba. Mục tiêu là cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân ở TP.Tuy Hòa, TX.Đông Hòa, H.Phú Hòa, H.Tây Hòa và phía nam H.Tuy An với tổng số khách hàng là hơn 35.000 hộ. Đồng thời, phục vụ cho hoạt động của Khu kinh tế Nam Phú Yên (được xác định là động lực tăng trưởng của tỉnh Phú Yên trong tương lai) và hoạt động phát triển KT-XH khác tại địa phương.
Vào tháng 7.2021, người dân sống tại TP.Tuy Hòa và TX.Đông Hòa sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước Tuy Hòa cung cấp từng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt do mực nước sông Ba xuống rất thấp. Ngoài ra, triều cường lên cao khiến mặn xâm nhập sâu, vượt qua khu vực công trình thu nước của Nhà máy nước Tuy Hòa.
Độ mặn đo được lên đến 16.000 mg/lít (tiêu chuẩn tối đa là 250 mg/lít). Do vậy, Nhà máy nước Tuy Hòa phải tạm dừng sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu nước trên diện rộng.
Ông Thuần bày tỏ: "Chúng tôi rất ủng hộ dự án nhà máy thủy điện nếu phù hợp với chủ trương phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi mới chỉ tiếp nhận thông tin về dự án Nhà máy thủy điện Đồng Cam qua báo chí phản ánh; chưa được tham gia góp ý về dự án này".
Theo ông Thuần, khi xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Cam, điều cần được lưu tâm là việc cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân và phục vụ hoạt động phát triển KT-XH của các địa phương phía hạ lưu sông Ba. Vào mùa mưa, lượng nước tương đối dồi dào nhưng vào mùa khô, nếu lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về không ổn định thì khả năng xâm nhập mặn là rất lớn.
Nhà đầu tư giải trình thế nào ?
Nhà máy thủy điện Đồng Cam được nhà đầu tư đề xuất xây dựng gần công trình thủy lợi đập đầu mối Đồng Cam. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên, phục vụ tưới tiêu cho 19.000 ha lúa và các loại cây trồng khác. Với người dân Phú Yên, hệ thống thủy nông Đồng Cam được ví như "mạch sống quê hương".
Trong văn bản tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ đề xuất ý tưởng khảo sát, nghiên cứu dự án thủy điện Đồng Cam, nhà đầu tư khẳng định: "Tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến công trình đập thủy nông Đồng Cam".
Theo nhà đầu tư, hiện nay vào một số thời điểm trong năm, mực nước từ đập Đồng Cam ở phía thượng lưu không đủ cao để chảy vào kênh Bắc và kênh Nam của hệ thống thủy nông Đồng Cam, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu. Việc xây dựng thêm hồ thủy điện tại phía thượng lưu đập Đồng Cam sẽ làm lợi cho việc điều tiết nước tưới từ nguồn dự trữ này vào hệ thống kênh tưới của thủy nông Đồng Cam trong mùa khô; giảm thiểu tình trạng thiếu nước, giúp đời sống người dân thuận lợi hơn.
Còn nhiều lo ngại
Dù vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên vẫn còn lo ngại về việc vận hành xả lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba (theo Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 18.7.2018 của Thủ tướng Chính phủ). Theo báo cáo đề xuất đầu tư, phương án vận hành khi có lũ về là xả hết nước bên trong đập cao su, hạ cao trình đỉnh đập bằng cao trình đáy sông, nhưng chưa làm rõ việc xả hết thể tích 15,4 triệu m3 với chênh lệch cột nước là 3 m trong thời đoạn ngắn, thì sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến an toàn đập thủy nông Đồng Cam.
Phương án vận hành nhà máy thủy điện trong mùa kiệt là trả nước về hạ lưu bằng cửa lấy nước chiều rộng 10 m, nhưng chưa làm rõ về lưu lượng dòng chảy trả về hạ lưu với khẩu độ cống nêu trên có đảm bảo theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba hay không; chưa làm rõ trường hợp cần tăng lưu lượng về hạ lưu để đảm bảo tưới.
Ngoài ra, nhà đầu tư đề xuất lưu lượng sau phát điện 442 m3/giây trả nước về hạ lưu sau đập Đồng Cam sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lượng nước đến cũng như khả năng đảm bảo cấp nước của công trình nhưng chưa được đánh giá cụ thể tác động và ảnh hưởng đến nhiệm vụ cấp nước của công trình đập Đồng Cam (công trình đảm bảo tưới cho hơn 60% diện tích sản xuất lúa của tỉnh Phú Yên).
Còn Sở TN-MT tỉnh Phú Yên thì cho rằng nhà đầu tư chưa làm rõ được phương án vận hành khi có lũ về. Nếu đập cao su được xả hết nước bên trong, làm xẹp xuống đáy lòng sông, thì cần có đánh giá những tác động, ảnh hưởng đến đập Đồng Cam trong thời gian ngắn xả hết thể tích 15,4 triệu m3. Cũng theo Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, hiện nay ranh giới nhiễm mặn ở Tuy Hòa đã lên đến xã Hòa An (H.Phú Hòa). Vì vậy, việc ngăn đập thủy điện Đồng Cam với hồ chứa 15,4 triệu m3 có làm gia tăng ranh giới nhiễm mặn ở hạ lưu sông Ba hay không cũng cần phải được đánh giá kỹ lưỡng. Theo Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, báo cáo của nhà đầu tư chưa đánh giá cụ thể yếu tố nhiễm mặn. Các nội dung đánh giá về thay đổi lòng dẫn, lưu lượng bùn cát, nhiễm mặn và các tác động môi trường khác mới chỉ mang tính sơ bộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã thẩm định và gửi lấy ý kiến của các ngành. Quá trình thẩm định cho thấy một số vấn đề. Thứ nhất là chưa đánh giá được an toàn của đập Đồng Cam vào mùa lũ, cũng như chưa đánh giá khả năng ảnh hưởng như thế nào đến việc cấp nước vào mùa khô cho vùng hạ du, khả năng nhiễm mặn, ảnh hưởng đến di tích đập Đồng Cam. Do đó, Sở Công thương tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi lại cho nhà đầu tư là chưa đủ điều kiện xem xét trình UBND tỉnh".
Về đề xuất có thêm nhà máy thủy điện trên sông Ba, trả lời PV Thanh Niên trong cuộc họp báo quý 3/2024 vào ngày 18.10 vừa qua, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tỉnh đã giao các ngành làm rất kỹ. Riêng đối với những thủy điện đã có trong Quy hoạch điện 8, sau khi có đề xuất chủ trương còn phải lấy ý kiến của Bộ Công thương một lần nữa. Mặc dù quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng khi có nhà đầu tư đề nghị hoặc tỉnh đang xây dựng đề xuất chủ trương, thì phải lấy lại ý kiến của Bộ Công thương".