4 tàu thuyền đang nằm trong vùng nguy hiểm
Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, để chủ động ứng phó với bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp, đơn vị đã lên kịch bản di dời, sơ tán hơn 200.000 người dân khi bão Trà Mi đổ bộ.
Hiện nay, có 54 tàu thuyền đang hoạt động trên biển với 2.306 lao động; trong đó, tại vùng biển quần đảo Trường Sa có 50 tàu thuyền với gần 2.194 lao động đã nhận được thông báo và đang trên đường vào bờ, riêng khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa còn 4 tàu thuyền với 112 lao động đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Dự kiến khoảng 16 giờ chiều mai (24.10), 4 phương tiện này sẽ vào bờ.
Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng đều đã sẵn sàng phương án, nhân lực... để ứng phó trong các tình huống khi bão đổ bộ.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương tập trung triển khai, rà soát lại phương án với phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó bão.
Ông Trương Tuyến, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, cho biết theo nhận định chung, bão Trà Mi có đường đi khá phức tạp, dự kiến đến ngày 27.10 bão sẽ tiến sát vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng.
"Hướng di chuyển của cơn bão Trà Mi không khác gì cơn bão số 9 xảy ra năm 2020, vì vậy không được chủ quan, nhất là những địa phương ven biển. Chúng ta phải có phương án ứng phó từ rất sớm", ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, việc ảnh hưởng từ cơn bão này sẽ khiến các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to từ ngày 27 - 29.10. Dự báo lũ tại sông Vu Gia sẽ vượt mức báo động 3, sông Thu Bồn cũng sẽ trên mức báo động 3.
"Sau những đợt mưa lớn vừa qua, những vùng có nguy cơ sạt lở cao đã ngấm nước. Nếu bão vào gây mưa lớn thì những vị trí này sẽ xảy ra sạt lở ngay, nên cần phải có phương án sơ tán khẩn cấp người dân, tài sản ở những vị trí nguy cơ cao này", ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng, điều lo lắng nhất hiện nay là số tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa còn quá nhiều, trong khi tốc độ di chuyển của bão Trà Mi rất nhanh. Vì vậy, bằng mọi cách phải có biện pháp kêu gọi tàu thuyền sớm vào bờ an toàn.
Dự kiến tâm bão đổ bộ vào Quảng Nam
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, bão Trà Mi có hướng đi rất phức tạp nên tất cả không được chủ quan, phải cực kỳ thận trọng. Đặc biệt, phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về sức tàn phá nguy hiểm của cơn bão này.
Ông Bửu cũng nhận định, khi bão đổ bộ sẽ kèm theo mưa lớn, chuyện sạt lở là không thể tránh khỏi. Vì vậy, sớm tìm ra phương án đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân, cần phải tính toán thật kỹ bởi kịch bản sơ tán đang đặt ra với số lượng khổng lồ (200.000 người).
Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng hiện nay một số người dân cũng như các cấp, ngành và một số địa phương còn lơ là trong công tác phòng chống bão lũ, không chủ động, dễ gây nên thiệt hại nặng nề.
"Bão Trà Mi được dự báo là cơn bão rất mạnh, di chuyển phức tạp, rất khó dự đoán. Theo dự báo đến thời điểm này, cơn bão sẽ đi thẳng vào miền Trung; cụ thể tỉnh Quảng Nam là tâm điểm của cơn bão này", ông Dũng nói.
Ông Dũng đề nghị rút kinh nghiệm trong cơn bão số 3 vừa diễn ra ở các tỉnh phía bắc, người đứng đầu các cấp chính quyền phải thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão này 24/24 để chỉ đạo sát sao, sát với tình hình thực tế tại địa phương và tăng cường kiểm tra năng lực ứng phó "4 tại chỗ", tránh tình trạng nói mà không làm…
"Phương châm "4 tại chỗ" đóng vai trò rất quan trọng, có thể nói là quyết định đến thành công trong PCTT. Tôi không mong muốn sau bão là có đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật", ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh phải theo dõi thật kỹ, thông báo thường xuyên diễn biến của bão Trà Mi. Bất kể ngày hay đêm phải thông báo diễn biến của cơn bão này để người dân nắm, hiểu rõ được tình hình về cơn bão để phòng tránh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi bão Trà Mi đổ bộ; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, phải chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.