Theo đó, ngân sách địa phương giải ngân được khoảng 1.810 tỉ đồng (35,9%), ngân sách Trung ương giải ngân ước khoảng 492 tỉ đồng (26,5%).
Trong khi đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Ngãi là hơn 6.902 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách địa phương hơn 5.000 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.857 tỉ đồng.
Với tỷ lệ giải ngân như trên, vốn giải ngân đầu tư công của Quảng Ngãi thuộc diện thấp nhất so với các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên.
Hệ quả, nhiều dự án đầu tư công của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có các dự án trọng điểm bị ảnh hưởng, không thể triển khai xây dựng từ nhiều tháng qua. Điển hình như các dự án: đường Thạch Bích - Tịnh Phong, đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, cầu Trà Khúc 3, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc…
Điều đáng nói, các dự án này bị kẹt vốn từ đầu năm, phải tạm dừng. Đến khi tỉnh Quảng Ngãi bổ sung vốn để thi công lại vướng mặt bằng, không thể triển khai.
Đơn cử, dự án đường Thạch Bích - Tịnh Phong có kinh phí 700 tỉ đồng, khởi công năm 2022 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024. Tuyến giao thông này dài 6,11 km, phải thu hồi 24,77 ha, trong đó đoạn qua TP.Quảng Ngãi dài 3,05 km, H.Sơn Tịnh dài 3,06 km.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, dự án này không thể thi công dù được bố trí vốn 200 tỉ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Hiện mặt bằng bàn giao cho các nhà thầu chỉ đạt khoảng 60%, khối lượng thi công đạt dưới 50% tổng giá trị hợp đồng.
Ông Ngô Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc chậm giải ngân đầu tư công một số dự án trọng điểm của tỉnh có nhiều nguyên nhân, trong đó, vướng nhất là do giá đất.
"Muốn giải ngân phải có mặt bằng thi công. Muốn có mặt bằng thi công phải có phương án bồi thường được các cấp thẩm quyền phê duyệt, dân nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Mà muốn có phương án này thì phải có giá đất cụ thể. Riêng năm 2024, việc giá đất xác định cụ thể để đưa vào phương án bồi thường là khó và chậm. Dẫn đến việc không có mặt bằng để triển khai thi công", ông Dụng nói.
Cũng theo ông Dụng, từ nay đến đầu năm 2025, tình hình về giá đất vẫn lúng túng như hiện nay thì tiến độ thi công các dự án vẫn cứ chậm.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc nếu không giải ngân hết vốn Trung ương năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi xử lý ra sao, ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này sắp thành lập 3 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, 3 phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ làm 3 tổ trưởng cùng các sở, ngành, địa phương liên quan đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
"Với vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị điều chỉnh giảm phần vốn này (hơn 1.857 tỉ đồng), nhưng chưa được phúc đáp. Vì vậy, nếu được Trung ương điều chỉnh giảm năm 2024 thì đề nghị Trung ương bố trí bù vốn này sang năm 2025, còn không thống nhất thì tỉnh xin Trung ương cho kéo dài sang năm 2025", ông Trọng cho biết thêm.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận do vướng về giá đất nên không đền bù được, kéo theo các dự án ở Quảng Ngãi không thi công và không thể giải ngân vốn. "Nhiều địa phương cũng bị tương tự như Quảng Ngãi. Sắp đến tỉnh sẽ quyết liệt hơn trong công tác này", ông Trần Hoàng Tuấn nói.