Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 127 hồ chứa nước thủy lợi, phục vụ sản xuất cho hàng ngàn héc ta cây trồng. Trong đó, 22 hồ, đập đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tỉnh Bình Định có 710 công trình thủy lợi, gồm 164 hồ chứa nước, 278 đập dâng và 268 trạm bơm… bảo đảm tưới tiêu cho diện tích canh tác hơn 109.875 ha. Tuy nhiên, hiện có 8 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp.
Hồ Ông Tới (xã Đức Lân, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) có sức chứa khoảng 1,5 triệu m³ nước, cung cấp nước tưới cho hơn 170 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, độ an toàn của hồ đang ở mức báo động. Hồ Ông Tới xây dựng năm 1983, được sửa chữa, nâng cấp năm 1996. Sau nhiều năm vận hành, khai thác, đến nay nhiều hạng mục công trình đã hư hỏng, xuất hiện hàng chục vết nứt lớn, nhỏ trên thân đập. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các vết nứt xuất hiện nhiều tại khu vực giữa và phía bắc thân đập, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo ông Nguyễn Mậu Biên (xã Đức Lân), do ảnh hưởng các trận động đất ở Kon Tum nên khả năng hồ Ông Tới sẽ rò rỉ nước và bị ảnh hưởng về sau. "Mong các cấp, các ngành tạo điều kiện nâng cấp, sửa chữa bờ hồ Ông Tới được an toàn để bảo vệ đời sống cho người dân", ông Biên nói.
Tương tự, hồ Phượng Hoàng (xã Bình Tân Phú, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) được đưa vào sử dụng hơn 30 năm qua. Hiện phần thượng lưu của đập xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, sụt lún... Một số đoạn mái đập bị rò rỉ, không giữ được nước, mất an toàn trong mùa mưa bão. Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đều chỉ đạo di dời người dân nơi đây đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Tấn Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Tân, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa nước Phượng Hoàng, cho biết cứ đến mùa bão lũ, nhân viên hợp tác xã phải túc trực vì sợ vỡ hồ. "Đến mùa nắng, lượng nước trong hồ không đảm bảo tưới tiêu, chỉ đủ phục vụ khoảng 30% diện tích đất sản xuất do mái đập không giữ được nước", ông Minh nói.
Chưa có kinh phí sửa chữa
Theo UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 8 hồ thủy lợi hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, còn có 49 hồ chứa nhỏ có thân đập bị thấm.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, những hồ chứa có đập đất xây dựng đã lâu, chưa được gia cố thượng lưu, nền và thân đập bị thấm, kích thước mặt cắt ngang không đảm bảo do bị sạt, trượt, không có vật thoát nước hạ lưu đập. Tràn xả lũ chủ yếu là tràn tự nhiên nên bị xói lở hạ lưu. Một số tràn làm bằng bê tông hoặc đá xây do xây dựng từ lâu nên đã hư hỏng, bong tróc vữa.
Kiểm tra hiện trạng hồ, đập trước mùa mưa bão năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định xác định có một số hồ chứa đã hư hỏng, nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được bố trí kinh phí sửa chữa.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, công tác đảm bảo an toàn cho hồ chứa và đập dâng trước mùa mưa bão luôn được đặt lên hàng đầu. "Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ và lập các phương án ứng phó khẩn cấp theo nguyên tắc "4 tại chỗ". Điều này giúp các đơn vị sẵn sàng ứng phó ngay khi có sự cố", ông Chương cho hay.
Còn ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đơn vị này đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng phương án ứng phó cụ thể với từng công trình hồ, đập trên địa bàn.