Không được 'quên' tiếng Việt dù giỏi ngoại ngữ

12:00 - 26/11/2024

Những học sinh là người Việt, nhưng 'quên' tiếng Việt ngay trên quê hương mình; có thể hùng biện, tranh luận trên trường rất thông thạo bằng tiếng Anh nhưng ấp úng, khó khăn khi hỏi thăm ông bà của mình bằng tiếng Việt…

Câu chuyện ấy không hiếm trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn.

HÒA NHẬP NHƯNG KHÔNG HÒA TAN

Một giáo viên (GV) tiểu học tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, kể với phóng viên, chị từng tiếp một phụ huynh đến trường với trĩu nặng nỗi buồn. Chị tâm sự "tôi đã thất bại", khi con chỉ nói tiếng Anh trong học tập cũng như khi ở nhà. Bé rất khó khăn để diễn đạt bằng tiếng Việt trong khi gia đình, mọi người thân đều là người Việt. Anh chị từng có một khoảng thời gian rất tự hào rằng "con mình giỏi tiếng Anh". Nhưng dần dần, những kết nối trong gia đình, cộng đồng bị rạn vỡ, đứt gãy vì con khó khăn trong sử dụng tiếng mẹ đẻ, xa rời văn hóa truyền thống, họ thấy hình như mình đã sai rồi.

Không được 'quên' tiếng Việt dù giỏi ngoại ngữ

Học sinh trong ngày hội “Em yêu tiếng Việt” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức

ẢNH: THÚY HẰNG

Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn, Q.Bình Thạnh, khẳng định là người VN, để sánh vai với những cường quốc năm châu, để giao lưu với bạn bè quốc tế thì không thể không có ngoại ngữ, nhưng đó không phải là lý do để học sinh (HS) được quên tiếng mẹ đẻ.

"Hòa nhập nhưng không hòa tan, tôi luôn cho rằng quan điểm này đúng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Là người Việt, sinh ra và lớn lên trên đất nước VN thì phải yêu tiếng Việt, giỏi tiếng Việt trước. Còn học ngoại ngữ để giao lưu, hội nhập quốc tế là trách nhiệm mà các HS, sinh viên phải làm. Đây cũng là trách nhiệm của người thầy dạy dỗ học trò và trách nhiệm của gia đình, xã hội khi cần tăng cường vun bồi cho các em thói quen sử dụng tiếng Việt trong đời sống; giáo dục cho các em tình yêu, ý nghĩa thiêng liêng của việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ", cô Minh Hiếu khẳng định.

PHÁT TRIỂN TIẾNG ANH NHƯNG KHÔNG XAO NHÃNG TIẾNG VIỆT

Bên lề ngày hội "Em yêu tiếng Việt" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, cô Nguyễn Trịnh Hồng Phương, GV Trường tiểu học Bùi Văn Ngữ, H.Hóc Môn, thừa nhận ở đâu đó có hiện tượng HS chú trọng tiếng Anh, xem nhẹ tiếng Việt, điều này một phần xuất phát từ tâm lý của một số phụ huynh mong các con giỏi tiếng Anh sẽ dễ dàng thành công. Tuy nhiên, cô Phương tin rằng phần lớn phụ huynh đều hiểu tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, là nền tảng văn hóa, việc gìn giữ tiếng Việt cũng là gìn giữ nét đẹp văn hóa của người VN.

Không được 'quên' tiếng Việt dù giỏi ngoại ngữ

Học sinh tiểu học viết thư pháp trong ngày hội “Em yêu tiếng Việt” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức

ẢNH: THÚY HẰNG

Ở góc độ nhà trường, theo cô Phương, mỗi GV tiểu học trong các tiết dạy ở Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cần làm sao truyền tải được tình yêu không chỉ môn học tiếng Việt mà còn là tiếng nói, chữ viết của ngôn ngữ mẹ đẻ, tinh thần của văn hóa Việt được gìn giữ và tiếp nối, thông qua các hoạt động giáo dục.

"Chương trình GDPT 2018 giúp HS phát huy khả năng hơn thông qua thảo luận nhóm, tranh luận và sự hướng dẫn của GV về chính tả, cách diễn đạt, đặt dấu câu. Việc rèn luyện kỹ năng đọc, ngắt nghỉ hơi cũng được coi trọng. Phần viết văn sáng tạo trong chương trình khuyến khích HS thể hiện cảm nghĩ cá nhân, GV sẽ hỗ trợ sửa lỗi từ ngữ, chính tả, và cách diễn đạt. Hiện nay có hiện tượng HS sử dụng công nghệ, tham khảo bài văn trên mạng hoặc sử dụng ChatGPT trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, GV có thể có những giải pháp như chuyển đổi chủ đề để HS tự làm, phát huy khả năng của bản thân", cô Phương chia sẻ.

Tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, TP.HCM, từ đầu tháng 11, mỗi sáng thứ bảy hằng tuần nhà trường đều phát trực tuyến chương trình giới thiệu cuốn sách hay. Nhà trường tin rằng đây là một kênh để giúp HS được tiếp cận với nhiều cuốn sách mới, sách hay, sách có giá trị, để HS có thể phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, học những điều hay từ sách.

"Việc giáo dục cho HS có ý thức để bảo vệ, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các trường học. Để làm được điều này, tôi cho rằng không có cách nào tốt hơn là để HS hình thành và phát triển văn hóa đọc. Đó là lý do tại sao trường học tổ chức rất nhiều hoạt động để HS phát triển văn hóa đọc, từ đọc trên thư viện trường đến việc đọc bất kỳ lúc nào khi ở nhà, qua kho học liệu thư viện điện tử", cô Trần Tiểu Quỳnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, nói.

Cô Trần Tiểu Quỳnh nhấn mạnh là cán bộ quản lý, cô luôn nhắc nhở GV cần phải phát huy cho các con sự yêu thích môn tiếng Việt. "Bởi đây là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ dân tộc, tiếng Việt còn là nước Việt còn'", cô Quỳnh khẳng định.

"Trường chúng tôi chú trọng phát triển tiếng Anh cho các HS, vì trường được định hướng xây dựng trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, tuy nhiên càng không thể xao nhãng việc giáo dục cho các con về ngôn ngữ tiếng Việt. Bởi HS là người được sinh ra trên đất nước VN, các con phải hiểu, biết, yêu thích tiếng Việt, đó là yếu tố tiên quyết giáo dục HS về tình yêu quê hương đất nước. Còn tiếng Anh được định hướng là ngôn ngữ thứ hai trong trường học để các con được phát triển, trở thành công dân toàn cầu, để hội nhập quốc tế theo định hướng phát triển chung của giáo dục VN", cô Tiểu Quỳnh chia sẻ.

GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT LÀ GÌN GIỮ VĂN HÓA VIỆT

Đó là lời bộc bạch của cô Lê Thị Yến Oanh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đào Sơn Tây, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Cô Oanh cho biết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, người VN càng cần phải giữ gìn, phát huy văn hóa VN, trong đó có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của mỗi HS, của mỗi gia đình, trường học.

"Phụ huynh đừng nghĩ rằng cho con đi du học, đi định cư ở nước ngoài thì chỉ cần tiếng Anh, "quên" tiếng Việt cũng không sao. Người VN hãy giữ được cội nguồn gốc rễ của mình. Cộng đồng du HS ở nước ngoài thường tổ chức các ngày hội giao lưu văn hóa, sinh viên VN mặc áo dài, đọc thơ tiếng Việt, nấu món ăn Việt, quảng bá văn hóa dân tộc đến bạn bè nước ngoài. Nhiều người nước ngoài sang VN học tập, làm việc cũng đi học tiếng Việt. Vậy tại sao ngay ở VN, chúng ta là người Việt mà đánh mất đi quyền được hiểu, được giao tiếp bằng tiếng Việt?", cô Oanh bày tỏ.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...