Sáng 24.10, trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Quảng Nam, cho biết liên quan vụ đấu giá mỏ cát ĐB2B (xã Điện Thọ, TX.Điện Bàn) lên đến 370 tỉ đồng, đơn vị đã làm việc với doanh nghiệp trúng đấu giá.
"Việc xác định đơn vị trúng đấu có đảm bảo năng lực tài chính hay không mà đưa ra mức giá cao ngất ngưởng như vậy, thì cần phải sao kê tài sản mới nắm rõ. Hiện chưa thể xác định được doanh nghiệp đấu giá làm thật sự hay là để "phá đám" buổi đấu giá. Bởi, muốn biết được họ phá hoặc bỏ cọc thì phải chờ ít nhất 6 tháng sau xem họ có nộp tiền hay không", thượng tá Xuyên nói.
Trả lời câu hỏi dư luận quan tâm: "Có hay không việc doanh nghiệp biết được trữ lượng mỏ cát ĐB2B có thể cao hơn trữ lượng phê duyệt ban đầu nên từ đó họ mới đẩy giá cao ngất ngưởng như vậy ?", thượng tá Hà Thế Xuyên cho biết muốn xác định được có hay không thì cần thời gian để xác minh, khảo sát đánh giá lại trữ lượng của mỏ cát này.
"Điểm đặc biệt là mỏ cát này nằm hoàn toàn dưới lòng sông, không phải nằm lộ thiên như các mỏ cát khác. Chính vì vậy, quá trình điều tra chúng tôi sẽ cho khảo sát, đánh giá lại trữ lượng của mỏ cát này để xem thực tế trữ lượng của nó bao nhiêu có đúng như trữ lượng đã phê duyệt ban đầu hay không. Từ đâu mà doanh nghiệp có thể đấu giá từ 1,2 tỉ đồng lên đến 370 tỉ đồng", thượng tá Xuyên thông tin thêm.
Trong khi đó, luật sư Ngô Thanh Tài, Trưởng văn phòng luật sư Thanh Thiên (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam), cho biết liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát tăng 308 lần gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua ở TX.Điện Bàn, xét ở góc độ pháp luật, nếu việc đấu giá mỏ cát đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, cũng như quy trình đấu giá tài sản theo Luật đấu giá tài sản năm 2016; đồng thời, các doanh nghiệp tham gia đấu giá đảm bảo năng lực theo quy định tại điều 53 Luật khoáng sản năm 2010 thì sau khi đấu giá công khai, buộc phải công nhận kết quả đấu giá đó cho bên trúng đấu giá.
Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý Nhà nước tại địa phương, việc UBND tỉnh Quảng Nam tạm thời yêu cầu chưa công nhận kết quả đấu giá mỏ cát ở TX.Điện Bàn là nhằm để kiểm tra lại quy trình, trình tự thủ tục đấu giá, cũng như xem xét năng lực của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đã đảm bảo đúng quy định pháp luật chưa. Vì vậy, việc UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm thời tạm dừng công nhận kết quả đấu giá là phù hợp.
Có dấu hiệu bất thường ?
Trước đó, 18.10, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B.
Phiên đấu giá kéo dài từ 8 giờ ngày 18.10 và kết thúc lúc 4 giờ 8 phút ngày 19.10, sau khi trải qua 200 vòng đấu giá, kéo dài hơn 20 giờ đồng hồ.
Kết quả, mỏ cát được chốt giá 370 tỉ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm (1,2 tỉ đồng). Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty CP MT Quảng Đà có địa chỉ tại Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.
Theo thông tin mời đấu giá quyền khai thác cát tại điểm mỏ ĐB2B, đây là mỏ cát xây dựng có diện tích 6,04 ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000 m3. Doanh nghiệp tham gia phải đặt trước 242,8 triệu đồng.
Liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát "bất thường" này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND TX.Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B.
Trao đổi với PV Thanh Niên trước đó, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định so với mức giá mà UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành, thì việc doanh nghiệp đấu giá mỏ cát cao như vậy là có dấu hiệu bất thường, nên trước mắt tỉnh yêu cầu các ngành chức năng có liên quan vào cuộc điều tra, sai phạm đến đâu thì sẽ xử lý đến đó.