Theo Thẩm phán Linda Chan, bà ra phán quyết trên vì tập đoàn này không thể đưa ra kế hoạch tái cơ cấu cụ thể hơn, cũng như không chứng minh có đủ tài sản để trả nợ, Reuters đưa tin.
Thẩm phán Chan chỉ định Alvarez & Marsal (Mỹ) làm bên thanh lý, nói rằng việc này sẽ có lợi cho tất cả chủ nợ vì công ty này có thể chịu trách nhiệm về kế hoạch tái cơ cấu mới cho Evergrande. Hiện nhà sáng lập Hứa Gia Ấn của Evergrande đang bị điều tra vì nghi ngờ phạm tội.
Đơn yêu cầu thanh lý được Top Shine, nhà đầu tư tại công ty con Fangchebao của Evergrande, đệ trình vào tháng 6.2022. Theo Top Shine, Evergrande đã không tôn trọng thỏa thuận mua lại cổ phần trong công ty con, theo tờ The Guardian.
Ảnh hưởng thị trưởng bất động sản Trung Quốc
Sau khi thông báo vỡ nợ vào năm 2021, Evergrande với tài sản trị giá 240 tỉ USD đã khiến lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn rơi vào tình trạng suy thoái. Phán quyết yêu cầu thanh lý càng tạo ra sự biến động lớn hơn đối với thị trường vốn và bất động sản của nước này.
Bắc Kinh đang chứng kiến nền kinh tế không thực sự hiệu quả khi thị trường bất động sản ở mức thấp nhất trong 9 năm và giá chứng khoán xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm. Do đó, bất kỳ tác động mới nào tới niềm tin của nhà đầu tư có thể làm suy yếu thêm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm vực dậy tăng trưởng.
Evergrande đang thực hiện kế hoạch cải tổ khoản nợ trị giá 23 tỉ USD nhưng kế hoạch này đã thất bại vào tháng 9.2023, sau khi ông Hứa Gia Ấn bị điều tra.
Tổng giám đốc Evergrande Siu Shawn nói với truyền thông Trung Quốc rằng công ty sẽ đảm bảo các dự án xây dựng nhà ở vẫn sẽ được giao bất chấp lệnh thanh lý. Ông nói thêm rằng phán quyết này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị của Evergrande ở đại lục cũng như ở các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, bà Tiffany Wong, tổng giám đốc Alvarez & Marsal cho biết: "Ưu tiên của chúng tôi là giữ lại, tái cơ cấu và duy trì hoạt động ở mức tối đa có thể. Chúng tôi sẽ theo đuổi cách tiếp cận có cấu trúc để bảo tồn và trả lại giá trị cho các chủ nợ và các bên liên quan khác". Mặc dù vậy, lòng tin của nhà đầu tư vẫn suy yếu.
Quy trình phức tạp
Reuters dẫn lời chuyên gia Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại tổ chức tài chính Natixis (Pháp), cho biết: "Đây không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu của quá trình thanh lý kéo dài, điều này sẽ khiến hoạt động hằng ngày của Evergrande càng trở nên khó khăn hơn".
"Vì hầu hết tài sản của Evergrande đều ở Trung Quốc đại lục, nên có những điều không chắc chắn về cách các chủ nợ có thể tịch thu tài sản cũng như thứ tự trả nợ của các trái chủ ở nước ngoài, và tình hình có thể còn tồi tệ hơn đối với các cổ đông", theo chuyên gia Ng.
Phán quyết từ tòa Hồng Kông được dự báo sẽ có ít tác động đến hoạt động của Evergrande, bao gồm các dự án xây dựng nhà ở trong thời gian tới. Lý do vì có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để cơ quan thanh lý ở nước ngoài do các chủ nợ chỉ định nắm quyền kiểm soát các công ty con trên khắp Trung Quốc đại lục, một khu vực pháp lý khác với Hồng Kông.
Evergrande đã nộp đơn xin hoãn thanh lý vào hôm 29.1, vì luật sư của họ cho biết công ty đã đạt được "một số tiến bộ" trong đề xuất tái cơ cấu. Là một phần của lời đề nghị mới nhất, nhà phát triển đã đề xuất các chủ nợ hoán đổi khoản nợ của họ thành tất cả cổ phần mà công ty nắm giữ tại 2 đơn vị ở Hồng Kông, so với khoảng 30% cổ phần trong các công ty con trước phiên điều trần cuối cùng vào tháng 12.2023.
Luật sư của Evergrande lập luận rằng việc thanh lý có thể gây tổn hại đến hoạt động của công ty cũng như các đơn vị quản lý tài sản và xe điện, từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của tập đoàn cho tất cả chủ nợ.
Theo Reuters, Evergrande có thể kháng cáo lệnh thanh lý, nhưng quá trình thanh lý sẽ tiếp tục chờ kết quả kháng cáo.