Tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn

Tiểm năng phát triển của ngành bảo hiểm vẫn còn rất lớn. (Ảnh minh họa).

Trong báo cáo ngành bảo hiểm mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset  cho biết, trong quá khứ, Bảo hiểm là ngành rất tiềm năng và luôn duy trì mức tăng trưởng quanh 20%/ năm. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi thị trường tài chính xuất hiện biến cố lớn, doanh thu ngành bảo hiểm đã lần đầu tiên trong hơn 10 năm ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2023.

Mirae Asset  cho rằng, khó khăn chung của ngành đến từ lĩnh vực Bảo hiểm nhân thọ khi chịu ảnh hưởng kép khi số hợp đồng khai thác mới giảm 43,8% tương ứng với doanh thu giảm 44,5% và Lượng hợp đồng hiệu lực giảm 10,6% (năm 2022 tăng 5,9%).

Trong khi đó, lĩnh vực Bảo hiểm Phi nhân thọ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương với mức tăng 5,1% trong năm 2023.

Tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn

Cụ thể, với lĩnh vực Bảo hiểm nhân thọ, Mirae Asset  cho biết, năm 2023 tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 157.024 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng cao nhất là sản phẩm Bảo hiểm liên kết đầu tư với tỷ trọng 60,8%, tiếp đến là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với tỷ trọng 28,8%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường năm 2023 ước đạt 28.179 tỷ đồng giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 5.068 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.864 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 3.642 tỷ đồng, Manulife với 3.433 tỷ đồng, và Sun Life với 2.006 tỷ đồng.

“Dù doanh thu khai thác mới chỉ đứng thứ 3 nhưng thị phần (Tổng doanh thu/ Tổng thu phí bảo hiểm của ngành) của BVH vẫn duy trì vị trí số 1 và gia tăng lên mức trên 20%. Nguyên nhân do lượng hợp đồng bị rút trước hạn của BVH thấp hơn các doanh nghiệp còn lại trong năm 2023”, Mirae Asset  đánh giá.

Đối với Bảo hiểm phi nhân thọ, theo Mirae Asset , doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.064 tỷ, tăng 5,1% so với năm 2022. Nổi bật là 2 sản phẩm quan trọng là Bảo hiểm sức khỏe, tăng 0,3% và Bảo hiểm xe cơ giới, giảm 1,9% có dấu hiệu ngừng tăng trưởng thì một số sản phẩm khác đã ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số như Bảo hiểm tài sản thiệt hại, tăng 11,1%, Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, tăng 10,8%.

Tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn

Trong 3 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực phi nhân thọ tỏ ra khả quan hơn với mức tăng trưởng doanh thu 9,8%, ước đạt 19.555 tỷ đồng. Năm 2024, lĩnh vực phi nhân thọ nhận được dự báo khả quan với mức tăng trưởng 10 – 12%.

Đáng chú ý khi trong top 7 thị phần chỉ duy nhất PVI tăng trưởng thị phần từ 14,8% lên 15,5%. Nhóm các doanh nghiệp ngoài top 7 đã gia tăng thị phần từ 35% lên 39,3% thể hiện sự cạnh tranh của nhóm này đối với top đầu.

Mirae Asset  đánh giá, Bảo hiểm sức khỏe và tài sản thiệt hại đang là 2 mảng doanh thu cao nhất trong lĩnh vực phi nhân thọ. Theo đó, về cơ cấu sản phẩm, Bảo hiểm sức khỏe hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 32%, tiếp đến là Bảo hiểm tài sản thiệt hại 27% và sản phẩm Bảo hiểm xe cơ giới ở vị trí thứ 3 với tỷ trọng 25%.

Tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn

“Tỷ lệ bồi thường trung bình của các sản phẩm phi nhân thọ ở mức 33,6%, trong đó bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường cao nhất với mức 52,5% và thấp nhất là sản phẩm Bảo hiểm tài sản thiệt hại với tỷ lệ bồi thường 19,4%”, Mirae Asset  cho biết.

Đánh giá về tiểm năng tăng trưởng của ngành Bảo hiểm, Công ty Chứng khoán này cho rằng, ngành Bảo hiểm đang được Chính phủ quan tâm phát triển. Theo đó, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đầu tiên, Chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%). Thứ hai, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.

Tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn

Trải qua khó khăn năm 2023, tỷ lệ GWM của Việt Nam đã sụt giảm từ 2,67% trong năm 2022 xuống mức 2,31% vào cuối 2023, như vậy mục tiêu 3,5% trong năm 2025 khả năng cao sẽ không thể hoàn thành. Tuy nhiên, việc đề ra mục tiêu trên cho thấy ngành Bảo hiểm là một trong những ngành được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện tăng trưởng.

“Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2022, tỷ lệ GWM tại các quốc gia phát triển như Mỹ có thể lên tới 12%. Một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia cũng ghi nhận tỷ lệ này lần lượt là 9,65% và 4,46%”, Mirae Asset  cho biết. Đồng thời nhận định, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế, tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn.