Tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa

Cụ thể, dự án khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) dài 13,6km, tổng mức đầu tư gần 965 tỷ đồng; Dự án nạo vét khai thông rạch Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) dài 8,65km, rộng 36m, tổng vốn hơn 652 tỷ đồng; Dự án nạo vét, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh) có tổng vốn hơn 233 tỷ đồng. Về các hạng mục, dự án sẽ nạo vét luồng dài 4,8km, xây dựng 600m bờ kè và xây dựng vỉa hè, đường dân sinh dọc tuyến.

TP.HCM: Phát triển giao thông đường thủy để tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất chi hơn 1.800 tỉ đồng nạo vét 3 tuyến đường thủy để hạ giá thành vận chuyển, giảm áp lực quá tải đường bộ, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.

Theo số liệu báo cáo của ngành giao thông, hiện TP.HCM có hơn 900km đường thủy, tương đương 50% mạng lưới đường bộ. Hệ thống sông, rạch cũng kết nối nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thủy trên địa bàn TP được các chuyên gia đánh giá là phát triển chưa tương xứng. Do đó, việc nạo vét để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vận tải thuỷ và du lịch đường thuỷ là vấn đề rất cần thiết trong lúc này.

Liên quan đến kế hoạch nạo vét các tuyến đường thuỷ trên địa bàn TP, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong kế hoạch phát triển đường thủy giai đoạn 2020-2050, và riêng chi phí duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy trên địa bàn TP mỗi năm dự tính cần khoảng 570 tỷ đồng, tức trong 30 năm cần hơn 17.000 tỷ đồng. Và từ cơ sở trên, Sở GTVT đang nghiên cứu và tham mưu UBND TP.HCM tìm nguồn lực đầu tư cho giao thông thủy như xây dựng cơ chế cho thuê đất hành lang bờ sông, kênh rạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác hạ tầng đường thủy...

Cũng theo ông An, tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh rạch của TP.HCM rất lớn, nếu được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.

Giảm áp lực hạ tầng đường bộ

Ngoài ra, giao thông vận tải đường thủy nội địa còn có nhiều lợi thế khác như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lại ít gây ô nhiễm môi trường. Và một khi đường thủy phát triển, áp lực giao thông trên đường bộ hiện đang quá tải sẽ được san sẻ.

Do đó, để đảm bảo đường thủy tiếp tục phát triển, ông Bùi Hòa An cho biết, ngành giao thông thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều dự án.

TP.HCM: Phát triển giao thông đường thủy để tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh rạch của TP.HCM rất lớn, nếu được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.

Cụ thể, các tuyến đường thủy liên kết khu Đông thành phố kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai, đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè có tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Đầu tư kè bờ kết hợp xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn trong phạm vi từ ngã ba Đèn Đỏ (Nhà Bè) đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (tiếp giáp tỉnh Bình Dương).

Tiếp theo là xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong: từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài: từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch Sông Tắc - rạch Trau Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km, kinh phí 4.794 tỉ đồng. Đồng thời, đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được TPHCM phê duyệt.

“Theo tính toán, từ nay đến năm 2050, TPHCM cần hơn 21.000 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa, ông An cho biết.

Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải năm 2024 với tổng ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2024-2025, có 12 tuyến luồng sẽ được nạo vét, duy tu bao gồm luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện), luồng Hải Phòng (đoạn Sông Cấm, Kênh Cái Tráp), Hòn Gai-Cái Lân, Phà Rừng, Cửa Hội-Bến Thủy (đoạn Cửa Hội), Cửa Việt, Cửa Gianh, Soài Rạp, Sài Gòn-Vũng Tàu, luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, Phan Thiết, Ba Ngòi.

Ngoài ra, một số luồng hàng hải tiếp tục được nạo vét duy tu gồm Sa Kỳ (kinh phí năm 2024 khoảng 13,9 tỷ đồng); Soài Rạp (kinh phí năm 2024 khoảng 425 tỷ đồng); Sài Gòn-Vũng Tàu (kinh phí năm 2024 khoảng 227,1 tỷ đồng) và luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu (kinh phí năm 2024 khoảng 528,7 tỷ đồng); Dự án nạo vét duy tu tuyến luồng Sài Gòn-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2024 cũng được tiếp tục thực hiện với kinh phí đầu tư năm 2024 là hơn 20,5 tỷ đồng.

Để đảm bảo kế hoạch được thực hiện hiệu quả, Cục Hàng hải Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư với các công trình thuộc kế hoạch được phê duyệt.