DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Củng cố năng lực cho doanh nghiệp logistics

Ông Thomas Sim, Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2024” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp DV Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đồng tổ chức ngày 28/05/2024, ông Thomas Sim, Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cho biết, bối cảnh thế giới đang ngày một trở nên khó đoán định, phức tạp với nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng như đại dịch COVID-19; các sự kiện bất khả kháng như yếu tố thiên tai; Chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Biển Đỏ; căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc...

Đặc biệt, ông Thomas Sim chỉ ra, đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ đến các quốc gia phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu do luồng hàng hóa không thể di chuyển tự do bởi các lệnh hạn chế nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, sự mong manh của chuỗi cung ứng bộc lộ khi nguồn cung toàn cầu bị đứt gãy do đại dịch; điều này càng trở nên trầm trọng hơn do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động gây ra. 

Mặt khác, quá trình chuyển đổi lực lượng lao động và kỹ thuật số cũng dẫn đến sự thay đổi lâu dài trong thói quen tiêu dùng và hành vi kinh doanh, gây nên những biến động về giá cả, cung và cầu và tạo ra một nền tảng mong manh cho sự tăng trưởng.

Cộng đồng vận tải toàn cầu cũng đang chịu sự gián đoạn do xung đột tại vùng biển Đỏ. Ông Thomas Sim cho biết hiện các nhà sản xuất, bán lẻ chịu tác động ngắn và dài hạn cũng đang chịu các chi phí cao khi các hãng vận tải đường biển sẽ triển khai thêm nhiều đợt tăng cước vào tuần tới, với cước FAK từ châu Á đến Bắc Âu tăng lên tới $20.000/40ft.

Và các chủ tàu vận chuyển hàng hóa xuyên Đại Tây Dương cũng đang cảm thấy tổn thương do sự lây lan của việc tăng cước với mức tăng mạnh hàng tuần khi giá cước giao ngay (FBX) của tuần này từ Bắc Âu đến Mỹ đã tăng 17%, lên 5.069 USD/40ft.... Những yếu tố này đã đặt ra nhu cầu phải tăng tính linh hoạt của chuỗi cung ứng để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và bền vững để đối phó tốt hơn với các yếu tố khó đoán định trong tương lai.

Ồng Thomas Sim cho biết, chuyển đổi số sẽ góp phần củng cố năng lực cho các doanh nghiệp logistics, từ đó có thể đối phó với những yếu tố khó lường trong tương lai. Cụ thể, ông chỉ ra, số hóa là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi mô hình kinh doanh và cung cấp các cơ hội để tạo ra doanh thu và giá trị mới. 

Quá trình chuyển đổi sang kinh doanh kỹ thuật số giúp thúc đẩy các dự án kinh doanh kiểu mới (ví dụ là như các doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng tối giản), hình thức này giúp cho các doanh giảm bớt sự phụ thuộc vào cái yếu tố như vị trí địa lý hay đặc thù quốc gia, thay vào đó họ có thể cung cấp dịch vụ của mình trên toàn cầu thông qua Internet. Sự linh hoạt mà số hóa mang lại trong việc phát triển mô hình kinh doanh kiểu mới này là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng ra quốc tế một cách dễ dàng hơn.

Trong khi đó, ông Thomas Sim cho biết, chuyển đổi số là sự tích hợp toàn diện và sâu sắc của công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp (vật lý, phương tiện, nội dung, báo cáo, quy trình, công cụ và hệ thống, v.v.), dẫn đến sự thay đổi cơ bản trong cách doanh nghiệp vận hành và tạo ra giá trị thông qua các mô hình kinh doanh sáng tạo (bao gồm sản phẩm mới và cách thức mới để tương tác với khách hàng); định hình lại các quy trình, mô hình kinh doanh và trải nghiệm của khách hàng để tận dụng tối đa khả năng kỹ thuật số; Cải thiện năng suất và tiết kiệm chi phí hơn. 

DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Củng cố năng lực cho doanh nghiệp logistics

Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2024”

Nghiên cứu của Trường Đại học Harvard đã chứng minh rằng chuyển đổi kỹ thuật số không chỉ mang lại thách thức cho các nhà quản lý mà còn mang đến các cơ hội lớn cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp chưa áp dụng chuyển đổi số. 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai nền tảng hậu cần thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán học máy (Zeneta, Freightos, Tradelens, NSWs); đồng thời có thể tối ưu hóa việc lập kế hoạch lộ trình, dự đoán mô hình nhu cầu, tự động hóa hoạt động của kho hàng và điều chỉnh linh hoạt mức tồn kho dựa trên biến động của nhu cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể cách mạng hóa toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và mang lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.

Ông Thomas Sim lưu ý, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xe không người lái sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách vận hành logistics trong tương lai. Một số nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đã sử dụng AI để theo dõi các đơn hàng tốt hơn và dự đoán các vấn đề liên quan đến vận tải trong chuỗi cung ứng. Các phương tiện tự lái, chẳng hạn như xe nâng không người lái, xe tải giao hàng và máy bay không người lái, có thể sẽ được sử dụng phổ biến hơn trong các nhà kho, đường cao tốc...

Hiện nay, nhu cầu về sử dụng công nghệ AI trong hoạt động logistics hiện đại đang ngày một gia tăng trên toàn cầu. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp logistics đang tận dụng các công cụ và hệ thống hỗ trợ AI để tối ưu hóa các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp một cách hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng.

Phó Chủ tịch cấp cao FIATA đánh giá, chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực logistics là điều mấu chốt nhằm tăng trưởng kinh tế và hội nhập thương mại toàn cầu. Ở Việt Nam, các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, trong đó Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có thể trở thành trung tâm logistics hàng đầu trong khu vực thông qua đầu tư chiến lược vào chuyển đổi kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng cảng thông minh.

Ông Thomas Sim cho rằng, các bên liên quan, bao gồm chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phải hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện cho ngành logistics của Việt Nam.