Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?

Mặc dù ngành cảng biển nói chung đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2024, nhưng vẫn còn những bất ổn từ các vĩ mô thế giới đe dọa đến lộ trình phục hồi trong năm 2024 - Ảnh: Quốc Tuấn.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, giá trị xuất nhập khẩu phục hồi mạnh trong 4 tháng đầu năm, đạt 238,8 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 115,2 tỷ USD, tăng 15,4% và 123,6 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự phục hồi đáng kể. Trong đó, điện tử tăng 34,9%, điện thoại tăng 6,6%, máy móc tăng 10% và dệt may tăng 6,3% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm như: Mỹ tăng 21,4%; Trung Quốc tăng 9,9%; Nhật Bản tăng 6,3%; Hàn Quốc tăng 8,7% và EU tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Mirae Asset Việt Nam cho biết, hoạt động thông quan tăng trưởng mạnh, với khối lượng thông quan 2 tháng ước đạt 111,6 triệu tấn tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khối lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu ước đạt lần lượt 28,6 triệu tấn, tăng 7,8% và 33,8 triệu tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng thông quan container cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Cập nhật đến cuối tháng 2, tổng sản lượng container ước tính đạt 4 triệu TEU, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khối lượng container xuất khẩu và nhập khẩu ước tính lần lượt đạt 1,3 triệu TEU, tăng 20,2% và 1,2 triệu TEU, tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?

Cũng theo Mirae Asset Việt Nam, hoạt động sản xuất trong nước tiếp tục được cải thiện. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng từ năm 2023, đạt 6,3% so với cùng kỳ vào tháng 4. Trong khi đó, PMI của Việt Nam cũng vượt ngưỡng 50 điểm, ở mức 50,3 điểm. Ngoài ra, FDI công nghiệp, chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng với tổng vốn đăng ký tích lũy đạt 289,6 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Đánh giá về triển vọng ngành cảng biển trong năm 2024, chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam chỉ ra các yếu tố tác động đến triển vọng ngành: Thứ nhất, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhờ mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và logistics.

Ngoài ra, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, các chính sách kinh tế và thương mại hỗ trợ cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này. Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư.

Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?

“Chúng tôi tin rằng ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến sẽ cân nhắc xem có nên cấp cho Việt Nam quy chế "nền kinh tế thị trường" hay không. Nếu Việt Nam được xác nhận là nền kinh tế thị trường, có thể dẫn đến việc giảm đáng kể thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, Mirae Asset Việt Nam đánh giá.

Thứ hai, các thị trường chính tiếp tục tăng trưởng: Trong quý I, các thị trường trọng điểm của Việt Nam nhìn chung ghi nhận mức tăng trưởng GDP khá tốt: Mỹ (+3%); EU (+0,4%, cao hơn mức kỳ vọng là 0,2%); Trung Quốc (+5,3%, trên mức dự báo là 5%); và Hàn Quốc (+3.4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo là 2,4%). Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo GDP thực tế năm 2024 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng gồm Mỹ (+1,6%); EU (+0,7%); Nhật Bản (+0,9%); và Trung Quốc (+4,5%). Sự tăng trưởng liên tục ở các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu ở những thị trường này, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và ngành cảng biển Việt Nam.

Thứ ba, niềm tin người tiêu dùng duy trì ổn định: Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong quý I. So với số liệu đầu năm 2023, tâm lý tiêu dùng dường như mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ - thị trường dệt may trọng điểm của Việt Nam ghi nhận mức tiết kiệm của hộ gia đình giảm và duy trì ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai.

Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?

Mặc dù lĩnh vực cảng biển có sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến trong đầu năm 2024, nhưng Mirae Asset Việt Nam cho rằng, vẫn còn những rủi ro đáng kể trong năm nay. Theo đó, tiết kiệm của hộ gia đình Mỹ vẫn ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát cao cản trở Fed hạ lãi suất điều hành và lộ trình ban đầu về ba lần cắt giảm nhiều khả năng đã bị loại bỏ.

“Tiêu dùng thấp và chính sách tiền tệ thắt chặt đe dọa sự phục hồi tiêu dùng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh các công ty vận tải lớn đang hành động nhằm giảm nguồn cung vận chuyển, cũng như xung đột ở Biển Đỏ, chúng tôi tin rằng giá vận chuyển sẽ duy trì xu hướng tăng kể. Giá vận chuyển cao hơn sẽ gây áp lực lên lạm phát toàn cầu và ảnh hưởng đến các quyết định chính sách về lãi suất của các ngân hàng trung ương”, Mirae Asset Việt Nam nhận định.

Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, việc Mỹ tăng thuế đối với ô tô điện, pin mặt trời, thép và các hàng hóa khác do Trung Quốc sản xuất có thể gây ra một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế. Điều này đặt ra những mối đe dọa tiềm tàng đối với sự phục hồi của thương mại thế giới.

Do đó, đơn vị này tin rằng, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam có thể được hưởng lợi do lợi thế về giá của hàng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, điều này sẽ hỗ trợ phần nào cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, mức thuế cao hơn có thể gây thêm áp lực lên tỷ lệ lạm phát cao gần đây và trì hoãn việc cắt giảm lãi suất của Fed, dẫn đến sự cản trở tăng trưởng tiêu dùng dài hạn ở các thị trường trọng điểm.