Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện dự báo tăng, EVN sẽ tăng cường huy động công suất các nhà máy điện hiện hữu và phụ tải. VCBS kỳ vọng sản lượng điện sản xuất sẽ tăng trưởng ở mức 9% trong năm 2024 (tương đương mức sản lượng 306 tỷ kWh).
Theo VCBS, sản lượng điện tăng trưởng so với nền thấp năm 2023 nhưng thấp hơn mức 10,7% theo kế hoạch của Bộ Công Thương do: Triển vọng tăng trưởng nhóm công nghiệp sản xuất vẫn yếu; Tác động từ El Nino làm cho thời tiết trở nên nóng bức hơn vào mùa khô và làm gia tăng nhu cầu sử dụng thiết bị điện của khu vực dân cư; 02 dự án nhiệt điện lớn là Vân Phong 1 và Thái Bình 2 đi vào vận hành; Sản lượng khí cung cấp cho nhóm nhiệt điện khí từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vẫn chậm tiến độ; Nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.
Cũng theo Công ty Chứng khoán này, cung ứng điện trong năm 2024 được đảm bảo tối đa so với năm 2023 thông quá các giải pháp như đảm bảo về nguồn điện, giá điện và nhu cầu điện.
VCBS cũng đánh giá, La Nina trở lại, thủy điện thuận lợi hơn trong nửa cuối năm 2024. Theo dự báo của IRI, La Nina có thể trở lại vào nửa cuối năm 2024 sau khi El Nino tiếp tục duy trì với xác suất từ 80-100% với cường độ giảm dần đến hết quý I và chuyển sang pha trung tính trong quý II. Các nhà máy thủy điện sau khi bị ảnh hưởng tiêu cực do pha El Nino sẽ hưởng lợi từ La Nina vào nửa cuối năm 2024 nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, mưa nhiều, mực nước về hồ nhiều hơn.
Trong bối cảnh EVN đang gặp khó khăn tài chính, thủy điện vẫn là nguồn điện được ưu tiên huy động do rẻ nhất hệ thống. Tuy nhiên, thủy điện chịu tác động mạnh bởi thời tiết và diễn biến sát sao theo biến động thủy văn. VCBS kỳ vọng sản lượng thủy điện phục hồi từ mức nền thấp 2023, giảm 16% so với năm trước, đặc biệt vào nửa cuối năm 2024 dưới tác động của La Nina.
Mặc dù vậy, thủy điện được đánh giá là không còn nhiều tiềm năng, do tổng công suất vận hành hiện tại đã gần bằng với công suất dự kiến. Cụ thể, công suất thủy điện dự kiến đạt 29.346 MW đến năm 2030 và hơn 36.000 MW đến năm 2050. Tuy nhiên, tổng công suất nguồn thủy điện đang vận hành đến năm 2023 đã đạt 22.872 MW (gồm khoảng 17.930 MW thủy điện vừa và lớn).
“Do đó tiềm năng nguồn thủy điện vừa và lớn về cơ bản đã được khai thác gần hết, tiềm năng thủy điện trong tương lai chủ yếu tăng thêm do mở rộng các nhà máy hiện có và xây mới thủy điện nhỏ. Trong giai đoạn từ 2021-2025, dự kiến sẽ có 3 nhà máy thủy điện lớn đi vào vận hành: Hòa Bình MR, Ialy MR và Trị An MR”, VCBS đánh giá.
Đối với nhiệt điện, VCBS cho rằng, nhiệt điện than hưởng lợi nhờ sản lượng tiếp tục được huy động cao. Các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc sẽ có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong nửa đầu năm do khu vực này đang có nguy cơ thiếu điện rất cao. Công suất lắp đặt tại miền Bắc không tăng trưởng trong khi nhu cầu phụ tải ngày càng gia tăng. Miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện than. Thủy điện thiếu ổn định và ảnh hưởng của El Nino trong nửa đầu năm 2024 sẽ giúp nhiệt điện than tiếp tục duy trì ở mức cao.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện trong năm 2024, đặc biệt là nguồn nguồn cung than cho nhà máy điện than. Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan đã lên kế hoạch để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024 như khai thác tối đa nguồn than trong nước, đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu để đảm bảo đủ than đầu vào cho nhà máy điện vận hành ổn định và đáp ứng kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Trong khi đó, nhiệt điện khí sẽ gặp khó khăn khi nguồn cung khí nội địa suy giảm. Theo VCBS, các mỏ khí chủ lực hiện nay đã và đang trong giai đoạn suy giảm sau quá trình dài khai thác. Do đó, sản lượng khí cung cấp cho điện tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ giảm dần. Nguồn cung khí nội địa mới cho điện chỉ còn nguồn khí miền Trung (Cá Voi Xanh và Báo Vàng) và nguồn khí Lô B.
Tổng cung khí cho điện giai đoạn 2035-2045 sẽ chỉ còn duy trì khoảng 7,7 tỷ m3/năm. Trong phần trữ lượng nguồn khí nội địa đã phát hiện nhưng chưa khai thác đến hiện nay, trữ lượng từ các dự án này chiếm tới 30%, bằng với trữ lượng còn lại của các mỏ đang khai thác. Do đó, việc phát triển các dự án này là cần thiết, sẽ đem lại hiệu quả và lợi ích tổng thể rất lớn cho Nhà nước.
Nhu cầu khí trong nước sẽ ngày càng tăng trong các lĩnh vực: sản xuất điện, hóa chất, công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị…Tổng nhu cầu khí dự kiến theo quy hoạch ngành khí (nhu cầu cơ sở) lên tới khoảng 13 tỷ m3 vào năm 2020, hơn 22 tỷ m3 vào năm 2025 và trên 34 tỷ m3 vào năm 2030. Trong khi sản lượng khai thác khí trong nước đang ngày càng giảm dần. Do vậy, việc nhập khẩu khí LNG là tất yếu để đáp ứng nhu cầu khí trong nước.
Đánh giá về triển vọng của ngành điện, VCBS cho rằng, năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Ngày 15/5/2023, Chính phủ đã ký Quyết định số 500QD-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII tiếp tục phát triển mạnh mẽ nguồn điện tái tạo. Tổng công suất NLTT (không tính thủy điện) sẽ đóng góp 63% tổng công suất thiết kế vào năm 2050. Trong giai đoạn 2021-2030, nhóm điện gió được đẩy mạnh cả trên bờ và ngoài khơi, sau năm 2030, nhóm điện mặt trời sẽ gia tăng công suất nhanh chóng.
Cụ thể, với điện mặt trời: tổng công suất đạt 20,6 GW vào năm 2030 (tăng trưởng 2%/năm). Giai đoạn 2030-2035, điện mặt trời sẽ được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng hằng năm lên tới 23%; Điện gió trên bờ: tổng công suất đạt 12,9 GW vào năm 2030 (tăng trưởng 55%/năm). Giai đoạn 2030-2025, điện gió trên bờ tiếp tục tăng trưởng ở mức 7%/năm; Điện gió ngoài khơi: tổng công suất đạt 6 GW vào năm 2030 và 18 GW vào năm 2035. Các nguồn NLTT khác như điện sinh khối, điện rác,… vẫn được tạo điều kiện phát triển nhưng có công suất không lớn trong hệ thống điện quốc gia do tiềm năng không cao.
Ngoài ra, tại hội nghị COP28, các nhà lãnh đạo, nhà hoạt động môi trường từ hơn 200 quốc gia đã đưa ra quyết định chung về đánh giá toàn cầu (global stocktake) nhằm đẩy mạnh các hoạt động tăng cường về khí hậu với mục tiêu giới hạn tăng không quá 1,5 độ C. Trọng tâm của COP28 là việc đánh giá toàn cầu, để hiện thực hóa mục tiêu hạn chế gia tang nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5% độ C thì lượng khi thải vào năm 2030 cần cắt giảm 43% so với năm 2019.
Nhằm hiện thực giới hạn duy trì mục tiêu 1,5 độ C vào năm 2030, ngành điện của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn điện từ NLTT. Theo đó, đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời tự sản tự tiêu phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống. Nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới như hydro, ammoniac xanh. Phát triển thủy điện tích năng và các nguồn pin lưu trữ để điều hòa phụ tải và lưu trữ năng lượng.