Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ (HANSIBA) chia sẻ về những khó khăn trong tiếp cận vốn vay trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Hoàng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) những năm qua chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, thanh khoản tài chính nguồn vốn - hoàn vốn với ngân hàng và chi phí cho sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, không ít ngân hàng hạn chế với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam.
Thực tế, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng tư nhân cũng là doanh nghiệp tư nhân nên họ phải bảo toàn vốn kinh doanh và phải có lãi theo yêu cầu của cổ đông đóng góp vốn.
Các ngân hàng sẽ lựa chọn những lĩnh vực có hiệu quả nhanh nhất, ngắn hạn nhất để đầu tư và kinh doanh tiền tệ. Trong khi, ngành công nghiệp và CNHT đều là sản phẩm phải đầu tư dài hạn từ 9 - 12 năm mới phát triển ổn định, thành công.
“Do đó, cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính cần cụ thể hơn, đóng vai trò là bà đỡ để các doanh nghiệp CNHT có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Hoàng nói.
Đó là, chiếm lĩnh được thị phần hàng trăm tỷ USD đang bị bỏ ngỏ, vì phải nhập khẩu linh phụ kiện và sản phẩm hàng năm.
“Khi các doanh nghiệp CNHT thành công sẽ góp phần đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp tiến tiến, hiện đại”, ông Hoàng bày tỏ.
Bộ Công Thương cũng nhận định, mặc dù các kết quả sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan, nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó.
Vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động, các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững.
Để tạo trợ lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng) đối với 2.734 doanh nghiệp cho thấy, mặc dù đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn, niềm tin của doanh nghiệp đã dần trở lại, nhưng cần phải nuôi dưỡng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.
Cho dù kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đã tươi sáng hơn trong năm 2024, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp vẫn cho rằng khó khăn và thách thức đối với doanh nghiệp vẫn nằm ở đơn hàng (chiếm 59,2% số doanh nghiệp được khảo sát).
Khó khăn trong tiếp cận vốn vay chiếm tới 51,5% số doanh nghiệp, còn lại là nhữngvướng mắc về thủ tục hành chính 45,3%, thông tin thị trường 27,7%…