Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp DV Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đồng tổ chức ngày 28/05/2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế lớn, vừa tiếp giáp với biển vừa tiếp giáp thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á, trước hết là Trung Quốc; gần các tuyến hàng hải quốc tế; nhiều khu kinh tế và khu công nghiệp phát triển đã tạo ra lượng hàng hoá dồi dào là đầu vào cho dịch vụ logistics...
Hạ tầng đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa phát triển, thúc đẩy lượng hàng hoá lưu chuyển nhanh tăng nhanh, kết nối các tỉnh, thành trong vùng với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung nhiều trung tâm logistics lớn, hiện đại, đa tầng, từng bước tự động hoá ở các tỉnh, thành như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics thời gian qua.
Bên cạnh những lợi thế, phát triển logistics trong vùng, theo ông Nguyễn Thanh Hải còn có một số hạn chế. Đó là, cơ sở hạ tầng chưa kết nối đồng bộ, chưa phát huy vai trò của đường sắt và đường thuỷ nội địa trong khi đường thuỷ nội địa là một trong những công cụ góp phần hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải, đưa phát thải ròng về 0. Hạ tầng ở một số nơi, một số chỗ còn quá tải...
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể hay việc tiếp cận đất đai xây dựng hạ tầng logistics có khó khăn nhất định và mất nhiều thời gian từ 2-3 năm khiến chi phí cơ hội rất lớn. Ngoài ra, chi phí có sự biến động, nhất là trong thời gian qua, các doanh nghiệp phản ánh các loại phí và phụ phí ở các cảng biển, hãng tàu chưa hợp lý, mức thu chưa có lý giải để có thể chấp nhận được.
Về mặt nhân lực, với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lên đến 35.000 - 45.000, nhân lực bước đầu đáp ứng được nhưng chất lượng và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực còn yếu.
Áp lực chuyển đổi xanh đang trở thành áp lực với các doanh nghiệp. Nếu không chứng minh là doanh nghiệp xanh như kho bãi không có chứng chỉ công trình xanh có thể không được lựa chọn đưa vào chuỗi cung ứng và khách hàng không tìm đến…
Trước thực tế trên, bên cạnh chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần xem xét một số động lực đột phá mới.
Trước hết là khu thương mại tự do. Đây không phải là khái niệm mới trên thế giới. Thực tiễn hoạt động của loại hình khu kinh tế tương tự như khu thương mại tự do ở Việt Nam cũng đã có như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
>> Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng: Nền tảng đột phá khu thương mại tự do
Khu thương mại tự do là loại hình mang lợi thế tổng hợp, đó là khu phi thuế quan, là hình thái tổng hợp gồm doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cùng các doanh nghiệp logistics có thể cùng tham gia hoạt động. Điều này tạo lợi thế lớn cho khu thương mại tự do như thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu lưu chuyển hàng hoá nhanh giữa thị trường trong và nước ngoài. Khu thương mại tự do gắn với cảng biển, sân bay, cửa khẩu sẽ là trợ lực, cộng sinh cho cảng cũng như tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, qua đó lượng hàng hoá vào cảng, hàng hoá xuất nhập khẩu tăng lên, giúp cho dịch vụ logistics tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Hải, vấn đề khó khăn hiện nay cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa thể hiện rõ ràng. Đây là điểm nghẽn và một số địa phương nỗ lực thiết lập khu thương mại tự do. Mới đây, thành phố Đà Nẵng đang kiến nghị có cơ chế trong Nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có thể được làm. Phải chăng, đây là cách làm để một số địa phương trong vùng có thể nghiên cứu, sớm đưa khu thương mại tự do vào hoạt động.
Bên cạnh cơ chế, để khu thương mại tự do có thể được đưa hoạt động, cần có quy hoạch và tìm được nhà đầu tư có năng lực.
Thứ hai, về chuyển đổi số. Đây là nội dung được đề cập nhiều trong thời gian qua với các vấn đề liên quan đến công nghệ, sự chuẩn bị về tài chính, nhân lực… Trong đó, ông Nguyễn Thanh Hải đề cập đến việc liên kết hạ tầng, bao gồm liên kết hạ tầng giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến tạo sự kết nối giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sự thúc đẩy để lan rộng phạm vi các hoạt động đó đang chững lại.
Chia sẻ dữ liệu chính là cách phát huy tốt nhất lợi ích của chuyển đổi số nhưng thời gian qua, đây là điểm nghẽn, ngay giữa các cơ quan Nhà nước với nhau hay giữa các cơ quan với các doanh nghiệp để có thể sử dụng dữ liệu… Bên cạnh đó, cần phát triển các giải pháp, ứng dụng như ứng dụng cảng thông minh; đào tạo nhân lực
Thứ ba, chuyển đổi xanh. Bên cạnh ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trở thành vấn đề nóng. Chính phủ đã có quy định cụ thể về kiểm kê khí nhà kính, sắp tới, ngoài các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở năng lượng thì các cơ sở hạ tầng về logistics, trước hết là các trung tâm logistics có thể phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Ông Nguyễn Thanh Hải cũng đề xuất một số nội dung khác tạo động lực cho sự phát triển logistic như xây dựng Kế hoạch phát triển logistics của địa phương phù hợp với chiến lược quốc gia; chăm sóc hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong Vùng; xây dựng khu/trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh và tự động…