Nghiên cứu của Cisco cho thấy các chương trình của Chính phủ có tác động rõ rệt đến quá trình số hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, 64% các doanh nghiệp nhận biết được các sáng kiến hỗ trợ của Chính phủ và được hưởng lợi từ các chính sách đó và 30% còn lại biết đến nhưng chưa tham gia.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho ngành logistics, Chính phủ cũng cần có các giải pháp phù hợp từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho ngành logistics: Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho ngành logistics nên được xây dựng dài hạn và phù hợp dựa trên chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 và 221/QĐ-TTg 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong ngành logistics: Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực logistics, như các chính sách về thuế, tài chính, đào tạo và hợp tác. Các chính sách này cần được thiết kế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ logistics mới trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trên con đường phát triển đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, hoàn thiện khung pháp lý: Để giải tỏa tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số và triển khai, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong ngành logistics, khuyến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ logistics và chuyển đổi số, nhất là thương mại điện tử, vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số; tích hợp các chức năng về giám sát mạng lưới, bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng...
Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông và CNTT: Chính phủ cần có các chương trình hành động để chú trọng đầu tư vào hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; huy động các tập đoàn CNTT xây dựng, chuyển giao các phần mềm logistics cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với giá ưu đãi để tạo cơ hội sử dụng và tham gia vào các hoạt động chuyển đổi số một cách đồng đều.
Thứ năm, thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics: Việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và có động lực để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, Chính phủ, các tổ chức và hiệp hội cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cần đẩy mạnh hoạt động để có được nhiều diễn đàn chất lượng về chủ đề chuyển đổi số nhằm giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics có thể kết nối, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu công nghệ và cập nhật xu hướng mới.
Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp CNTT: Chính phủ cần thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp CNTT để phát triển các giải pháp logistics thông minh. Hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành sẽ giúp tận dụng được nguồn lực và kinh nghiệm của nhau, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics.
Thứ bảy, hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động chuyển đổi số trong ngành logistics: đề xuất Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ logistics có điều kiện đầu tư vào mạng lưới kho bãi, hệ thống phân loại hàng hóa... Đồng thời có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các công ty khởi nghiệp (startup) về giải pháp công nghệ số, nhằm giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics có thể mua hoặc thuê giải pháp từ các doanh nghiệp cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính.
Thứ tám, đặc thù của ngành logistics liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau và các doanh nghiệp trong ngành logistics cần có sự tương tác với nhiều sở ban ngành. Trên cơ sở đó, để thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của toàn ngành, cần có sự chuyển đổi số của cả các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics như ngành hải quan, ngành giao thông vận tải, ngành kế hoạch đầu tư, ngành công thương theo hướng chuyển đổi số liên ngành; tăng cường liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, giữa hội, hiệp hội ngành nghề CNTT và hiệp hội logistics để tạo hiệu quả đồng bộ trong nỗ lực chuyển đổi số toàn ngành logistics Việt Nam.
Việc Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số trong ngành logistics sẽ giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics tiếp cận với các công nghệ mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
(Trích Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 của Bộ Công Thương)