Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024, chiều 29/3.
Trao đổi tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá hiện nay kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức khó đoán định.
Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023.
Bên cạnh đó, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc và tập trung vào một số đối tác gần thị trường đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ngành công thương sẽ tập trung vào một số những nhiệm vụ trọng tâm sau.
Thứ nhất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Tập trung cao độ cùng EVN, UBQLV và các địa phương triển khai dự án đường dây 500KV mạch 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng Quý, từng tháng năm 2024, đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống.
Thứ hai, ngành công thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các bộ, ngành tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Thứ ba, các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Kịp thời thông tin đến các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài.
Các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu...