Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), thời gian qua việc phát triển các loại cây dược liệu bản địa, Quế Trà My, sâm Ngọc Linh đã được địa phương tập trung đẩy mạnh. Cụ thể, diện tích trồng mới tăng nhiều so với kế hoạch năm trước, đạt 118,5% kế hoạch.

Trong năm 2023, tại địa phương có 35,5 ha sâm Ngọc Linh trồng mới, đạt 142% kế hoạch. Ngoài ra, huyện tiếp tục chăm sóc 05 ha vườn giống Quế gốc Trà My tại xã Trà Nam và 14 cây quế trội, 10 ha rừng quế chuyển hóa tại xã Trà Dơn; bảo tồn giống quế gốc Trà My.

Tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 tổ chức chiều ngày 01/4, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay cây sâm Ngọc Linh và dược liệu là những sản phẩm thế mạnh để người dân địa phương thoát nghèo và phát triển kinh tế. Theo vị này, thời gian qua, việc mua bán sâm và dược liệu được đẩy mạnh thông qua các phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hàng tháng cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube,... mang lại nhiều kết quả ấn tượng.

Đưa sâm Ngọc Linh lên sàn thương mại điện tử

Huyện Nam Trà My đã xây dựng sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng.

“Tuy nhiên, trong thời gian qua tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không gian mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phần lớn khách hàng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương.

Vì vậy, UBND huyện Nam Trà My đã xây dựng sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng với mục đích tạo cơ hội cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và giá trị chất lượng hàng hóa, tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử, giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng tại một website uy tín, được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm”, ông Mẫn nói.

Vị này cho biết, việc khai trương sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản là bước đi mang tính bước ngoặt, nền tảng nhằm cụ thể hoá một cách nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của các cấp về phát triển kinh tế số. Mặc dù là địa phương đầu tiên thực hiện, ông Mẫn cho rằng huyện Nam Trà My đã xây dựng và đưa vào vận hành tại liên kết trên Cổng thông tin điện tử huyện và các tên miền của Nhà nước cũng như tên miền thương mại.

Đưa sâm Ngọc Linh lên sàn thương mại điện tử

Các hộ sản xuất, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và giá trị chất lượng hàng hóa, tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử.

Từ khi chạy thử nghiệm đến nay đã có hơn 7000 lượt truy cập để tra cứu thông tin sản phẩm và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Qua đây sẽ hình thành kênh buôn bán chính thống cho người dân và đặc biệt là địa chỉ uy tín cho khách hàng.

Tương tự, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay địa phương đã xác định hướng phát triển kinh tế chính là trồng, phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My. Đi đôi với đó, ông Dũng cho biết huyện sẽ làm tốt công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

“Cùng với đó, huyện cũng sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng nâng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của huyện, tiếp tục đầu tư hạ tầng kết nối, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, nhất là vào lĩnh vực chế biến các loại nông sản – dược liệu và phát triển thương mại - du lịch. Ngoài ra, Tiếp tục tổ chức tốt các Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hằng tháng và Tổ chức thành công Lễ hội sâm lần thứ 6 vào tháng 8/2024”, ông Dũng thông tin. 

Được biết, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 tổ chức năm 2023 tại huyện Nam Trà My đã thu hút hơn 5.500 lượt khách tham quan, mua sắm. Tổng doanh thu từ lễ hội khoảng 10 tỷ đồng, trong đó mặt hàng sâm củ Ngọc Linh thu về khoảng 9,5 tỷ đồng.