Bà Vũ Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết về Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024, chiều 29/3.
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83.
Theo đó, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dự thảo quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.
“Với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo dự kiến tiến dần hơn với cơ chế thị trường, Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu quyết định giá bán, nhưng giá này không cao hơn công thức giá quy định", bà Hiền nói.
Bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết, việc đề xuất nội dung mới về kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành, đơn vị liên quan để xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi về Quỹ Bình ổn xăng dầu, Nguyễn Thúy Hiền đánh giá thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hơp, bảo đảm đúng với Luật Giá và các quy định pháp luật liên quan.
Trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023 về kinh doanh xăng dầu.
Việc xây dựng Nghị định thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng và thời gian rất gấp rút. Thủ Tướng yêu cầu trong tháng 3 phải trình Chính phủ nhưng chúng tôi báo cáo trên tinh thần nghiên cứu kỹ lưỡng và theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì cần có thời gian đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 60 ngày.
“Do đó, Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ 27/3”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, dự kiến nội dung dự thảo Nghị định mới sẽ có rất nhiều nội dung, tác động theo một tư duy có nhiều đổi mới, vừa mang tính chất đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, vừa đảm bảo không thiếu hụt, đảm bảo an ninh năng lượng.
Liên quan đến điều hành giá, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết hiện nay điều hành giá trên tinh thần Liên bộ, đưa ra mức giá trần để làm tham khảo, từ đó các doanh nghiệp đưa ra mức giá tính toán sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế nhưng không vượt mức giá trần.
“Chúng tôi dự kiến đưa ra công thức và dựa trên công thức đó, doanh nghiệp xăng dầu sẽ tự tính toán trên cơ sở thực tế đưa ra mức giá không được vượt ngưỡng trần, ngưỡng trần này do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tính toán. Quy định này đảm bảo bình ổn nhưng vẫn mang có định hướng thị trường, đảm bảo hài hoà giữa các bên”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Về nội dung về giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đây là nội dung gây nhiều tranh luận nên Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến. Về nội dung trích lập quỹ, hiện có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hóa để đưa vào dự thảo Nghị định.