Một cơ hội cuối cùng, mong manh để có thể gỡ "thẻ vàng" IUU, nếu không muốn nói là cánh cửa hẹp cho ngành thuỷ sản Việt Nam. Mọi nỗ lực sẽ đổ xuống sông, xuống biển nếu người dân, chủ tàu vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật trên biển, vi phạm đánh bắt thuỷ sản vùng biển nước ngoài. Đó là nhận định của các chuyên gia, luật sư cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, xoay quanh nội dung gỡ “thẻ vàng” IUU.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam

Chỉ còn 2 tháng nữa phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam để tiến hành đợt kiểm tra lần thứ 5 và xem xét gỡ "thẻ vàng" IUU cho Việt Nam.

Cơ hội cuối cùng

Theo Luật sư Nguyễn Duy Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao, chúng ta đang ghi nhận những kết quả đạt được nhờ vào sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, theo số liệu báo cáo của các địa phương thì vẫn còn một số trường hợp đánh bắt thuỷ sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Và đây chính là vấn đề rất đáng lưu ý.

“Có những địa phương không phát hiện trường hợp nào vi phạm, là một thành công lớn từ công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát và tuyên truyền cho do ngư dân hiểu để ủng hộ. Tuy nhiên, việc không phát hiện những trường hợp vi phạm không đồng nghĩa với kết quả cuối cùng. Bởi, có những trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa phát hiện được, nhưng nước bạn, như: Thái Lan, Malaysia, Phillipin… đã có số liệu và lưu giữ những hình ảnh ngư dân của Việt Nam vi phạm mà chúng ta chưa biết", Luật sư Nguyên nói.

Cũng theo Luật sư Nguyên, điều quan trọng ở đây là làm sao chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu, người dân ý thức được những tác hại của nó để đồng lòng, ủng hộ thì mới thành công, ổn định và bền vững. Ngược lại, tất cả những nỗ lực trên sẽ đổ hết xuống sông, xuống biển.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam

Luật sư Nguyễn Duy Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao: Đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Song, điều lo ngại lớn nhất vẫn là việc xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nếu không muốn nói là “khe cửa hẹp” cho ngành thuỷ sản Việt Nam.

Dẫn chứng về quy định IUU, Luật sư Nguyên cho biết, năm 2007, Ủy ban Châu Âu (EC) đã bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), và được thông qua vào tháng 10/2007.

Ngày 24/6/2008, văn bản đã đạt được sự đồng thuận trong Liên minh Châu Âu (EU), sau đó được EC chính thức thông qua bằng Quyết định số 1005/2008, ngày 29/9/2008. Quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, qua đó chính thức thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm hải sản bị khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào thị trường Châu Âu.

“Do đó, đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Song, điều lo ngại lớn nhất vẫn là việc xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nếu không muốn nói là “khe cửa hẹp” cho ngành thuỷ sản Việt Nam, Luật sư Nguyên lưu ý.

Vẫn chưa tuân thủ “3 không”

Đáng chú ý, bên cạnh những kết quả đạt được trong hành trình chống khai thác IUU, thì các báo cáo mới đấy của một số địa phương lại cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, trong hành trình kiểm tra, giám sát và vẫn phát hiện một số trường hợp đánh bắt thuỷ sản vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc chưa tuân thủ “3 không”.

Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang cho thấy, từ giữa tháng 3/2024, lực lượng chức năng địa phương đã triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang. Trong một tuần ra quân quyết liệt, đoàn công tác đã phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, chuyển cơ quan chức năng xử lý hàng chục vụ chủ tàu cá vi phạm pháp luật trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam

Việc kiểm soát, xử lý vi phạm đối với đội tàu cá "3 không" khá khó khăn.

Theo ông Cô Hồng Khởi - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang, cho biết: "Việc kiểm soát, xử lý vi phạm đối với đội tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác) khá khó khăn do tỉnh có địa bàn rộng với khoảng 100 cửa sông, rạch thông lưu ra biển không có lực lượng biên phòng kiểm soát".

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, toàn tỉnh có hàng trăm tàu "3 không" đang hoạt động ở vùng biển ven bờ, thuộc các địa bàn như Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh, An Biên, Châu Thành, Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên… Mặc dù địa phương đã rất nỗ lực để khắc phục tình trạng khai thác, đánh bắt không theo quy định nhưng thực trạng này khó chấm dứt khi những người mưu sinh trên biển đa số là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát trên biển, Thiếu uý Tô Minh Hiếu - Phó Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 4033, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết: Tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU là một nhiệm vụ rất là quan trọng đối với lực lượng cảnh sát biển trong việc nỗ lực gỡ thẻ vàng về hải sản.

Cũng theo Thiếu uý Hiếu, trong quá trình tuần tra, mặc dù không phát hiện tàu cá vi phạm IUU, đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều lỗi vi khác như thiếu giấy tờ, chứng chỉ hành nghề của các thuyền viên. Đây là những lỗi phổ biến nhất mà ngành chức năng thường xuyên phát hiện tại vùng biển giáp ranh.

Xây dựng hệ thống dữ liệu tại cảng cá

Đánh giá và góp ý về các giải pháp trong việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU cho ngành thuỷ sản Việt Nam, cũng như ngư dân bám biển, Bà Nguyễ Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, cho rằng: "Chúng ta đang đối diện với câu chuyện IUU, có nghĩa là chúng ta đang đối diện với việc đánh bắt bất hợp pháp, và để giải quyêt triệt để, chắc chắn Chính phủ làm được.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam

Bà Nguyễ Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam: để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, giải quyết bài toán về câu chuyện IUU, việc đầu tiên chúng ta cần làm là số liệu về hệ thống tàu thuyền, giảm cường độ đánh bắt, hệ thống lại số liệu ngư lưới cụ cho phù hợp với nguồn nguyên liệu trong nước. 

Tuy nhiên, riêng bài toán dữ liệu để báo cáo EC thì hiện nay dữ liệu của Việt Nam chưa thuyết phục được Châu Âu, chưa thuyết phục được thế giới vì tính minh bạch chưa có.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, giải quyết bài toán về câu chuyện IUU, việc đầu tiên chúng ta cần làm là số liệu về hệ thống tàu thuyền, giảm cường độ đánh bắt, hệ thống lại số liệu ngư lưới cụ cho phù hợp với nguồn nguyên liệu trong nước.

Vì vậy, đây chính là việc mà Chính phủ phải tập trung xây dựng lại hệ thống dữ liệu, mà dữ liệu ở đây nó phải nằm ngay ở cảng cá. Lý do nằm ở cảng cá là bởi tất cả các tàu thuyền ra, vào đều ở khu vực này.

“Đơn cử, ở thế giời thì tại tất cả các cảng có người ta đều có chợ đấu giá. Và các chợ đấu giá này sẽ giúp cho họ có dữ liệu tàu thuyền ra, vào cảng. Ngoài ra, nếu được đấu giá thì nó sẽ giúp cho ngư dân biết được sản phẩm của người ta bán được cái giá tốt nhất. Còn hiện nay ở Việt Nam thì sản phẩm của ngư dân đi tới vựa là hết. Cho nên, nếu chúng ta làm được công đoạn đấu giá tại chỗ thì ngay lập tức giúp cho đời sống của người ngư dân được tốt hơn, và họ đủ điều kiện để vươn khơi bám biển tốt hơn, bà Sắc nêu.

Cũng theo bà Sắc, hiện nay, với nỗ lực của mình, Hiệp hội đã và đang cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, vận động các doanh nghiệp thủy sản, kiên quyết từ chối thu mua các sản phẩm không có nguồn gốc, hoặc vi phạm khai thác IUU, đồng thời tìm kiếm giải pháp nhằm hỗ trợ, nâng giá trị sản phẩm thuỷ sản cho ngư dân.