GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài bày tỏ về việc thời gian qua một số lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới Việt Nam khảo sát nhưng lại quyết định đầu tư ở quốc gia khác.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, việc có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam khảo sát nhưng chưa đầu tư cũng là chuyện bình thường. Nếu có 10 tập đoàn công nghệ lớn đến, mà 5 tập đoàn quyết định đầu tư vào Việt Nam là rất thành công. Lo nhất là có 10 nhà đầu tư đến nhưng chỉ 2 nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin cho biết đang có 13-14 dự án FDI đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án hợp tác Mỹ - Hàn Quốc - Việt Nam về khai thác, chế biến đất hiếm đang được thương thảo, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.
“Do đó, tôi không thấy lo ngại khi nhà đầu tư đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư song lại công bố dự án đầu tư ở một nước khác”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Thực tế, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Trong ngành bán dẫn, ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ đầu tư. Tiêu biểu như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip…
Gần đây, lãnh đạo tập đoàn NVIDIA đã liên tục thăm Việt Nam và cam kết hợp tác về AI và bán dẫn. Theo đó, nâng cao khả năng hợp tác bao gồm xây dựng các trung tâm siêu tính toán tại Việt Nam, đào tạo nhân lực AI và công nghiệp bán dẫn, phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI.
Vẫn theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Môi trường đầu tư thế giới thay đổi rất nhanh, các nước do khó khăn chính trị, kinh tế toàn cầu nên có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài về nước… Tất cả thay đổi đó làm cho “miếng bánh” đầu tư nước ngoài thu nhỏ lại.
Vì vậy, cạnh tranh của các nước có cùng nhu cầu thu hút đầu tư giống Việt Nam ngày càng lớn, nên chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với thế giới để cải thiện môi trường đầu tư, thích ứng với cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam phải nhanh chóng cải cách nền hành chính quốc gia. Xây dựng Chính phủ số tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân thụ hưởng thủ tục hành chính không phiền hà, sách nhiễu.
"Những tập đoàn lớn, người ta cần thời gian rất nhanh để phát triển dự án. Nếu không làm được thì cơ hội giảm thiểu, thậm chí tuột mất", GS.TSKH Nguyễn Mại nói.
Liên quan đến việc các tập đoàn công nghệ nước ngoài đến Việt Nam rồi đầu tư ở nước khác, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung đánh giá thực tế hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đầu tư ở Việt Nam mà còn đầu tư ở rất nhiều quốc gia khác nhau, nên việc họ đầu tư vào Việt Nam hay đầu tư ở quốc gia khác là chuyện bình thường.
Việc đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, yếu tố khách quan như tình hình địa chính trị, xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các vấn đề về an ninh.
Thứ hai, yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ phù hợp của từng địa bàn, từng khu vực, các nguồn lực triển khai…
Thứ ba, yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.