Với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang được ví như một “bảo tàng cách mạng” của cả nước.
Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang còn là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa của văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc, những truyền thuyết, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người, là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp.
Với những lợi thế đó, ông Nguyễn Tiến Hưng tin tưởng trong thời gian tới các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng sẽ tăng cường đẩy mạnh hợp tác, khai thác phát triển sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề để quảng bá trong và ngoài nước.
“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Do đó, hôm nay tỉnh Tuyên Quang phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang.
“Nhằm thể hiện quyết tâm, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh miền núi phía Bắc trong việc thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực và lan tỏa trong thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ.
Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Tỉnh Tuyên Quang có 121 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, trong đó, có 570 thôn đặc biệt khó khăn. Những năm qua, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 10 dự án và 13 tiểu dự án.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án. Đây là nguồn hỗ trợ quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS.
Tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tập trung xây dựng công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, từ đó đời sống người dân được nâng cao.
Từ năm 2022-2024 tỉnh đã thực hiện phân bổ 2.203.660 triệu đồng để triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình. Nhờ đó, có 11 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới trở thành xã khu vực I, đạt mục tiêu chương trình đề ra.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, ông Nguyễn Tiến Hưng đánh giá thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Cụ thể, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp nên tăng tương đối thấp.
Số lượng dự án đầu tư vào địa bàn các xã khu vực 2 rất ít, hầu như không có các dự án đầu tư ở các xã khu vực III. Điện, đường, trường, trạm… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên một phần là do công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được quan tâm, nguồn lực, nguồn vốn đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, các địa phương còn thiếu nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại và làng nghề.
"Đây được xem là nguyên nhân chính tạo lực cản trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương”, ông Nguyễn Tiến Hưng nhấn mạnh.
Thông qua Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hưng mong muốn tỉnh Tuyên Quang sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã để mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Mong muốn các đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành quan tâm, nghiên cứu các sản phẩm du lịch của Tuyên Quang để tư vấn, giới thiệu đến đông đảo du khách, đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến, hành trình phục vụ khách du lịch của mỗi doanh nghiệp.
Cảm ơn các doanh nghiệp đã tin tưởng đầu tư và cam kết đồng hành với các địa phương trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang.
"Tỉnh Tuyên Quang cam kết đồng hành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối phát triển thương mại và du lịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và khách du lịch trong và ngoài nước", ông Nguyễn Tiến Hưng khẳng định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...