Căn cứ kết quả tăng trưởng GDP 5,66% trong quý I/2024 và diễn biến kinh tế thế giới, Tổng cục Thống kê vừa cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Thách thức mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%

Kịch bản tăng trưởng năm 2024 từ 6%-6,5% được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức.

Kịch bản 1, năm 2024 GDP tăng trưởng 6%. Cụ thể, quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.

Kịch bản 2, GDP năm 2024 tăng 6,5%. Trong đó, quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.

Mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2024 được đánh giá tích cực, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá kinh tế thế giới bước vào năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với diễn biến khó lường, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.

Các yếu tố bất lợi cho khôi phục kinh tế như lạm phát cao, cầu thương mại và tiêu dùng vẫn thấp, xu hướng phục hồi chậm, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ngày càng phức tạp, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Trước những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… đều nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023.

Đối với trong nước, mặc dù kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng.

Thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo.

Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực cụ thể.

Đơn cử, cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu. Tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu…

Bình luận về kịch bản tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 khoảng 6% là khá thách thức.

Bởi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế, bởi mức độ hội nhập quốc tế, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày một lớn.

Dự báo trong năm 2024 bối cảnh quốc tế có xu hướng phức tạp, khó khăn nhiều hơn, mức độ phục hồi của nền kinh tế thế giới khá thấp và lạm phát vẫn ở mức cao.

“Đặc biệt, trong 5 đối tác thương mại lớn của Việt Nam thì Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng giảm. Đây là khó khăn cho kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Hữu Thọ nói.