Tại số liệu năm 2023, TP. Đà Nẵng đã cấp mới và điều chỉnh vốn tăng thêm tại các Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin cho 57 dự án với tổng vốn thu hút là 58.172,53 tỷ đồng. Trong đó, cấp mới 27 dự án với tổng vốn đầu tư là 10.100,5 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn 30 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 48.072,03 tỷ đồng.
Theo đó, lũy kế dự án đầu tư trong nước đến nay trong và ngoài các khu công nghiệp là 773 dự án với tổng vốn 227.916,2 tỷ đồng (374 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 195.000 tỷ đồng và 399 dự án trong khu công nghiệp với vốn đầu tư 32.916,2 tỷ đồng).
Với các dự án FDI, Đà Nẵng đã thu hút được 202,643 triệu USD với việc cấp mới 110 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 171,407 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2023, Đà Nẵng có 1.017 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,25 tỷ USD.
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư tại Đà Nẵng trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Các nguyên nhân cụ thể đến từ việc những tác động tiêu cực của đại dịch vẫn còn, lạm phát, xung đột chính trị thế giới,... đã khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn không đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới.
Trong định hướng sắp tới, Đà Nẵng xác định sẽ đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư xây hạ tầng các CNN, KCN, đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, các dự án lớn có tác động lan tỏa. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã đề ra những giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Được phân công trả lời, ông Nguyễn Nam Hùng – Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và Tư nhân (Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng) cho hay thời gian tới địa phương sẽ tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố. Đồng thời, vị này cho rằng địa phương cũng đang nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư.
“Đà Nẵng sẽ phổ biến quy trình chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các KCN, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung theo hướng cụ thể hơn, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và chủ trương của thành phố. Song song, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào thành phố, nhất là vào cụm công nghiệp, khu công nghiệp, KCNC, Khu CNTT. Ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số…, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam”, ông Hùng cho hay.
Tại hội nghị gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư dịp đầu năm 2024 tổ chức trước đó, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã khẳng định địa phương cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.
“Đà Nẵng sẽ tích cực trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế chính sách đột phá để doanh nghiệp yên tâm hoạt động”, ông Chinh nói.
Được biết, Đà Nẵng có kế hoạch thu hút các ngành, lĩnh vực đã được xác định cụ thể tại Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (tự động hóa, công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế, vật liệu mới, công nghệ tài chính (fintech), trung tâm tài chính, logistics, cảng biển,...). Đặc biệt, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính lớn, công nghệ hiện đại (thuộc Forbes 500).
Địa phương này cũng sẽ đẩy mạnh lĩnh vực vi mạch bán dẫn, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, Châu Âu (Đức, Hà Lan, Bỉ…), Nhật Bản đầu tư vào công đoạn thiết kế, thu hút các doanh nghiệp ở thị trường châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore) đầu tư vào công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn đầu tư vào thành phố.
Để thuận lợi trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, triển khai các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn. Đồng thời, triển khai thủ tục tháo gỡ các dự án để khơi thông nguồn lực theo Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”.
Ngoài ra, địa phương này cũng sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch Xúc tiến hợp tác với các đối tác Nhật Bản, châu Âu, Lào,... Song song là xúc tiến đăng cai và tham dự các sự kiện có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, nghiên cứu các thị trường mới, các đối tác khu vực Trung Đông - Châu Phi, Nam Mỹ,... và quảng bá môi trường đầu tư Đà Nẵng và xúc tiến hợp tác du lịch, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Đà Nẵng đến các đối tác tiềm năng, thị trường trọng điểm.