Motorola là cái tên mới nhất trong số những thương hiệu áp dụng AI vào sản xuất quảng cáo, với video quảng cáo “Styled With Moto” nhằm quảng bá dòng điện thoại di động gấp được Razr 50 và Razr 50 Ultra.
Đoạn video dài 30 giây này là sản phẩm kết hợp giữa Motorola và agency Heaven đến từ Pháp, với sự hỗ trợ của rất nhiều công cụ AI như Adobe Firefly, Midjourney, Krea.ai, Comfy UI, Hypic, Magnific.ai, ClipDrop, Luma và Udio. Ngày 26/6, thương hiệu này trình chiếu đoạn video trong bữa tiệc ra mắt tại Paris. Đồng thời nó cũng được chia sẻ trên các tài khoản mạng xã hội của Motorola.
Trong đoạn quảng cáo, khán giả được xem các người mẫu diện những bộ đồ lấy cảm hứng từ logo “cánh dơi” của Motorola trong nhiều bối cảnh khác nhau, với 6 màu sắc chủ đạo đến từ màu của những chiếc điện thoại Razr sắp ra mắt. Mọi yếu tố xuất hiện trong video đều từ AI. Chẳng hạn, những bộ đồ là do AI tạo nên, người mẫu là người mẫu ảo, nhạc nền kết hợp với tiếng leng keng “Hello Moto” cũng do AI tạo nên nốt.
Với video này, có vẻ Motorola đang định vị họ không chỉ là một nhà cải tiến trong công nghệ, mà còn là một thương hiệu thời trang. Qua đó, họ muốn quảng bá dòng điện thoại Razr mới của mình vừa được tích hợp các công cụ AI, vừa có thể trở thành một phụ kiện thời trang đúng nghĩa.
Phát triển và cho ra mắt một video quảng cáo toàn hoàn từ AI là một bước đi khá mạo hiểm của Motorola, vì vấn đề sử dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật luôn nhận về nhiều tranh cãi. Động thái của Motorola chỉ diễn ra một tuần sau khi Toys R Us khiến thế giới xôn xao khi ra mắt bộ phim thương hiệu đầu tiên sử dụng AI. Giám đốc công ty gọi đó là thành công, còn cộng đồng sáng tạo thì phản ứng dữ dội.
Cụ thể, Toys R Us Studios (bộ phận sản xuất giải trí của Toys R Us) đã hợp tác cùng agency Native Foreign, sử dụng công cụ biến văn bản thành video Sora để tạo nên một video phim dài 1 phút kể về cậu bé Charles Lazarus, lấy hình tượng từ người sáng lập quá cố của Toys R Us, trong cửa hàng xe đạp của gia đình với sự xuất hiện của Hươu Cao Cổ Geoffrey, linh vật của thương hiệu.
Đoạn video ra mắt chính thức vào ngày 24/6 tại Liên hoan phim Cannes và được khẳng định là video thương hiệu đầu tiên sử dụng Sora. Sora là công cụ của OpenAI và hiện chưa được phát hành rộng rãi, vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Không có gì bất ngờ khi video tạo nên phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Nhiều nhà sáng tạo lên tiếng chỉ trích công khai việc sử dụng AI trong lĩnh vực này.
Nhà văn kiêm diễn viên hài Mike Drucker đăng trên X rằng: “Thật mỉa mai khi video này kể về mơ ước của một cậu bé muốn chia sẻ trí tưởng tượng với thế giới, thế nhưng để khắc họa điều này, họ sa thải các nghệ sĩ và làm cạn kiệt tài nguyên khi sử dụng các công cụ AI để tạo nên một thứ trông như cơn ác mộng của Stephen King”. Bài đăng đã nhận về hàng nghìn lượt yêu thích.
Ngoài ra, còn hàng chục bài đăng với hàng triệu lượt xem khác nói lên những ý kiến tương tự.
Bất chấp làn sóng phản ứng dữ dội này, những người sáng tạo tại Toys R Us và Native Foreign xem đoạn video này là một thành công. Kim Miller Olko, chủ tịch Toys “R” Us Studios, bày tỏ rằng “đó là một bài kiểm tra” và sự thành công của “bài kiểm tra” này khiến họ cân nhắc đưa AI vào sử dụng trong tương lai. Đồng thời, ông khẳng định rằng điều quan trọng nhất không phải là dùng AI hay dùng người thật, mà là phải đảm bảo cho video có cảm xúc và tâm hồn.
Về những lo lắng rằng AI sẽ thay thế con người, cả Miller Olko và Nik Kleverov, giám đốc sáng tạo Native Foreign, nói rằng điều này không hề xảy ra trong dự án của họ. Theo Kleverov, dù làm từ AI, thế nhưng số lượng nhân sự đứng đằng sau cũng phải hơn chục người, hoàn toàn tương tự với với các dự án khác.
Dĩ nhiên, bất chấp những lời giải thích này, việc sử dụng AI vào các tác phẩm sáng tạo vẫn sẽ gây tranh cãi. Thế nhưng có vẻ như điều ấy không thể làm chùn chân các thương hiệu, vì tiềm năng của AI là quá lớn, không thể chối từ.