Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với dự kiến 2 nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 công suất 2x2.000 MW cần nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.
Theo khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Tập đoàn ATOMSTROYEXPORT của Liên bang Nga và một số cơ quan về điện hạt nhân khác, nhu cầu nhân lực cho tổ chức vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 02 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe (2.000 MWe) cần khoảng 600-1.200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 05-10 năm.
Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, Việt Nam cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như: Kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác…
Như vậy, khi Việt Nam tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW, thì nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.
Ngoài ra, kinh nghiệm của một số nước có ngành hạt nhân phát triển cho thấy, ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (chuyên gia R&D), các chuyên gia chu trình nhiên liệu,... phục vụ nghiên cứu, quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn.
Cụ thể, hiện số nhân lực về điện hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, Viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trước đó, ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) đến năm 2020” (Đề án 1558) dự kiến đến năm 2020 nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân: Sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân, 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân; trong đó 200 kỹ sư, 150 thạc sỹ và tiến sỹ được đào tạo tại nước ngoài. Nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử sẽ đào tạo được 650 kỹ sư, 250 thạc sỹ. Nhân lực phục vụ đào tạo, giảng dạy: Đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trường đại học và viện nghiên cứu xây dựng các dự án chi tiết, tổ chức thực hiện Đề án 1558.
Theo báo cáo của EVN, giai đoạn đến 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của LB Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận; EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, cử đi đào tạo Lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1
Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu rà soát, thống kê cụ thể về tình hình thực tế hiện nay đối với số nhân lực đã được đào tạo nêu trên. Nhìn chung chỉ một số ít trong số nhân lực nêu trên hiện đang làm việc tại EVN, còn phần đông làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác", Vụ trưởng Lý Quốc Hùng thông tin.
Như vậy, bên cạnh vấn đề thiếu nhân lực, còn thiếu cả nhân lực cho quản lý nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu và đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục. Nếu tính trung bình mỗi 12 nhân lực lao động trong ngành điện hạt nhân có tương ứng 01 nghiên cứu viên; 20 sinh viên cần có 01 giảng viên, tổng nhu cầu nhân lực cho nhóm này sẽ khoảng 250 người.
Do đó, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), không chỉ cần tính toán việc đào tạo nhân lực mà còn phải chuẩn bị cơ chế để thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo từ Liên bang Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác quay lại làm việc trong lĩnh vực này. Cần thu hút các sinh viên giỏi vào học ngành hạt nhân, ví dụ có học bổng cho sinh viên học ngành hạt nhân.
"Khi chúng ta khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Chúng ta cần Ban chỉ đạo của Nhà nước về dự án, có những nhà quản lý giỏi chuyên môn về điện hạt nhân để điều hành", TS.Thành cho hay.
Để đáp ứng nguồn nhân lực KH&CN cho chương trình điện hạt nhân, Bộ Công Thương đề xuất, thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân tại các trường đại học. Chương trình đào tạo cần được xây dựng bài bản theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành, trong đó có sự hỗ trợ thông qua hợp tác quốc tế với cơ sở giáo dục của các nước dự kiến sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ cho dự án điện hạt nhân trong thời gian tới.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu với các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân, như: Nga, Nhật Bản, Pháp, Mỹ,… thông qua việc tham gia vào các chương trình đào tạo quốc tế, chương trình trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, hội thảo, hội nghị chuyên ngành, hợp tác nghiên cứu để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong việc vận hành và quản lý an toàn lò phản ứng, nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng mối quan hệ quốc tế.
Thứ ba, rà soát nhân lực về điện hạt nhân hiện có tại EVN và các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Bộ; xây dựng kế hoạch để đào tạo mới, đào tại lại, đào tạo chuyên sâu nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực điện hạt nhân. Về lâu dài, việc tổ chức các khóa đào tạo nâng cao thường xuyên cho nhân lực làm việc trong ngành (về công nghệ mới, quy định an toàn hạt nhân, và quản lý rủi ro,…) là rất cần thiết, nhằm cập nhật những kiến thức mới nhất, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn.
Thứ tư, đầu tư nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu thuộc Bộ nhằm hình thành lĩnh vực nghiên cứu và phát triển về điện hạt nhân và các công nghệ, kỹ thuật liên quan điện hạt nhân. Các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải được chuẩn bị nguồn lực cả về con người và cơ sở vật chất để có thể tham gia hỗ trợ EVN tiếp thu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật từ đối tác nước ngoài ngay từ những giai đoạn rà soát, điều chỉnh dự án; đàm phán về chuyển giao công nghệ, đào tạo - hỗ trợ kỹ thuật với đối tác nước ngoài.
Thứ năm, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách cho điện hạt nhân, trong đó có xem xét việc khuyến khích phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và an toàn của năng lượng hạt nhân. Việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn, và sự kiện truyền thông sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về điện hạt nhân, từ đó thu hút sự quan tâm và khuyến khích thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...